January 12, 2013

Thiền


Thiền

           Thiền là gì ?

           Chữ Thiền hay Thiền na , tiếng Trung Quốc gọi là Chán , hay là Chánna (thiền na), người Nhật gọi là Zen . Chữ này vốn viết theo âm của chữ sanskrit là Dhyāna, người ta thường dịch là suy tưởng, suy ngẫm (méditation).
           Ðây là một thuật ngữ được nhiều tông phái sử dụng để chỉ những phương pháp tu tập khác nhau , nhưng với một mục đích duy nhất là để giải thoát , giác ngộ. Theo truyền thống của Thiền , Phật có truyền một loại bài giảng không có văn bản , riêng cho một môn sinh nào đó và môn sinh ấy lại truyền riêng cho một môn sinh của mình . Những trường phái tu tập theo lối nầy coi như là mật giáo ( esoteric) , có nghĩa là tu tập để tự đạt kinh nghiệm tỉnh giác, không để ý đến những hình thức bên ngoài, có thể gọi là "bí truyền" — các vị tổ sư đã nghiên cứu và phát triển những con đường khác nhau thích hợp với cá tính, căn cơ của từng người để đạt đến kinh nghiệm quý báu nói trên. 


           Một cách tổng quát , Thiền là sự hướng dẫn con người đạt được một tâm trạng tập trung, lắng đọng, như một hồ nước mà người ta chỉ có thể nhìn thấu đến đáy nếu mặt nước không bị xao động. Tâm trạng bình yên, lắng đọng này có thể đạt được qua nhiều cách khác nhau như luyện tập uốn nắn thân thể theo Hathayoga , sự tập trung vào một tấm tranh như Thangka , hoặc âm thanh như Mantra, một công án...
           Tu tập thiền sẽ dẫn thiền giả đến một tâm trạng Bất nhị, nơi mà những ý nghĩ nhị nguyên chia sự vật ra làm hai phần biệt lập như tốt -xấu , phải-quấy , lành-dữ v.v...được chuyển hóa ; thiền giả đạt sự thống nhất với cái "Một", cái "Tuyệt đối", những khái niệm về không gian và thời gian đều được chuyển biến thành cái "hiện tại thường hằng", thiền giả chứng ngộ được sự đồng nhất của thế giới hiện hữu và bản tính. Nếu kinh nghiệm này được trau dồi thâm sâu và thiền giả áp dụng nó vào những hành động của cuộc sống hằng ngày thì đó chính là trạng thái mà tất cả những tông phái đều gọi chung là "Giải thoát".
           Thiền sư người Anh David Fontana viết : "Thiền không có nghĩa là ngủ gục; để tâm chìm lặng vào cõi hôn mê; trốn tránh, xa lìa thế gian; vị kỷ, chỉ nghĩ tới mình; làm một việc gì không tự nhiên; để rơi mình vào vọng tưởng; quên mình ở đâu. Thiền là giữ tâm tỉnh táo, linh động; chú tâm, tập trung; nhìn thế giới hiện hữu rõ ràng như nó là; trau dồi tấm lòng nhân đạo; biết mình là ai, ở đâu." 
           Ở Trung Quốc , Thiền có nghĩa rộng hơn , bao gồm các phép tu như quán niệm hơi thở Nhập tức xuất tức niệm, Tứ niệm xứ ... với mục đích nhiếp tâm và làm tâm tỉnh giác. Từ phép Thiền do Bồ-đề-đạt-ma truyền, Thiền Trung Quốc đã phát triển rất mạnh thành phái Thiền tông.
           Trong nghĩa rộng hơn , Thiền là một trạng thái tâm thức không thể định nghĩa, không thể miêu tả và phải do mỗi người tự nếm trải. Trong nghĩa này thì Thiền không nhất thiết phải liên hệ với một tôn giáo nào cả — kể cả Phật giáo. Trạng thái tâm thức nầy được các triết gia xưa nay ở mọi thời đại và văn hoá khác nhau trực nhận và miêu tả bằng nhiều cách để giúp con người khám phá bản thể thật sự của mình đang mỗi lúc hiện diện.
           Ngày nay , Thiền còn là một liều thuốc chữa nhiều thứ bệnh , là một nghệ thuật sống : sống tự nhiên , đơn giản , bình dị , hài hòa với thiên nhiên . Thiền cũng ảnh hưởng đến văn học , nghệ thuật : vườn thiền, thơ thiền, trà đạo , cung đạo , võ đạo , dưỡng sinh...
           Tóm lại , theo Suzuki , Thiền khai phóng tất cả những năng lực nội tại và tự nhiên tích tụ trong mỗi người chúng ta để con người có một nguồn năng lực vô biên nơi chính mình , thoát vòng kiềm tỏa của ngoại cảnh và của tha nhân để sống một cuộc đời tự do, thảnh thơi và thoải mái .

           Các tông phái Thiền 

           Kể từ khi Bồ Ðề Ðạt Ma (Bodhidharma) vị tổ thứ 28 ở Ấn Độ sang Trung Quốc (khoảng giữa các năm 520 và 526) và trở thành sư tổ đầu tiên của trường phái Chán. Bồ Ðề Ðạt Ma chuyển lại lời bí truyền cho Huệ Khả, khoảng từ 486 - 593 và là sư tổ thứ hai của Trung Quốc. Sự kế truyền này tiếp mãi cho đến khi có sự chia rẽ quan điểm quan trọng giữa các môn đệ của sư tổ thứ năm là Hoằng Nhẫn ( 605 -675). Một môn sinh là Thần Tú mất năm 706 trở thành người sáng lập ra phái Bắc tông. Môn sinh khác là Huệ Năng ( 638-713), lập ra phái Nam tông.
           Chẳng bao lâu, Nam tông có uy tín nhiều hơn Bắc tông , do đó mà Huệ Năng cuối cùng được thừa nhận là sư tổ thứ 6 và là người kế tục Hoằng Nhẫn . Tất cả các dòng Thiền sau nầy đều xuất phát từ các môn sinh của Huệ Năng .
           Nói chung , nền tảng Thiền ở Trung Quốc được xây dựng bởi hai vị sư Tăng Triệu và Ðại Sinh . Sự bất đồng giữa Bắc tông và Nam tông là do sự khác nhau về quan điểm : Bắc tông thiên về Tính tông ( Tinh thần vũ trụ) , Nam tông thiên về Không tông ( Hư vô).
           Truyền thuyết nổi tiếng về việc phân đôi hai phái Thiền Nam-Bắc được kể lại như sau :
           Hoằng Nhẫn biết tới lúc mình phải tìm người kế thừa nên ra lệnh cho học trò mỗi người viết một bài kệ trình bày kinh nghiệm giác ngộ. Thần Tú viết bài kệ:

Thân thị Bồ Ðề thụ, 
Tâm như minh cảnh đài,
Thời thời cần phất thức, 
Vật sử nhạ trần ai. 

(Thân là cây Bồ-đề 
Tâm là đài gương sáng 
Giờ giờ siêng lau chùi 
Chớ để dính bụi bặm) 


           Huệ Năng đang làm việc trong bếp, nghe đọc bài kệ liền nhờ người viết bài kệ của mình như sau:

Bồ-đề bản vô thụ, 
Minh kính diệc phi đài 
Bản lai vô nhất vật, 
Hà xứ nhạ trần ai? 

(Bồ-đề vốn chẳng cây, 
Gương sáng cũng chẳng đài 
Xưa nay không một vật, 
Nơi nào dính bụi trần? ) 


           Nghe đọc bài kệ , Hoằng Nhẫn liền truyền y bát cho Huệ Năng và khuyên đi về phương Nam . Huệ Năng là người sáng lập Nam tông sau nầy. Và Thần Tú vẫn tự xem mình là người nối pháp của Hoằng Nhẫn , sáng lập Bắc tông . 
           Bài thơ của Thần Tú nhấn mạnh đến tinh thần vũ trụ hay là bản thể của Phật (être) mà Đạo sinh đã nói đến, còn bài thơ của Huệ Năng thì nhấn mạnh cái vô (non-être) của Tăng Triệu. Hai công thức nầy thường được lặp đi lặp lại trong Thiền học: Phật tức Tâm (tinh thần chính là Phật) và Phi tâm phi Phật (non- esprit, non - Buddha).
           Về sau , Thiền thường theo thuyết của Huệ Năng , liên kết với Lão giáo để đạt đến mức cao nhất . Cái mà trường phái Hư vô gọi là bậc thang thứ 3 của chân lý theo nghĩa cao cấp thì các nhà Thiền học gọi là nguyên lý thứ nhất. Nguyên lý thứ nhất là nguyên lý không thể diễn tả được bởi vì cái mà người ta gọi là Vô , không phải là một vật mà người ta có thể nói được một điều gì đó về nó. Gọi Vô là Tinh thần, Tâm , hay là Ðạo, hoặc đặt cho nó bất cứ tên gọi gì, cũng là để tạm chỉ định . Hễ dùng đến danh từ để chỉ định tức là đã bị hạn định . Như các nhà Thiền học và Lão học thường nói, người ta sẽ rơi vào hình thức chữ nghĩa , xa lìa với cái chân lý toàn diện của sự vật .

           Thiền đến Nhật vào khoảng thế kỷ thứ 9 từ Trung Hoa qua hai Thiền phái Lâm tế và Tào Động, cả hai phái này đều ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của Lục Tổ Huệ Năng . Hiện nay ở Nhật có ba dòngThiền (Zen) : Thiền Lâm Tế (Rinzai Sect), Thiền Tào Động (Soto / Tsao-tung), Thiền Hoàng Bá (Obaku sect) . 

           Thiền tông Trung Quốc được truyền sang Việt Nam lần đầu bởi Thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi (Vinitarucib, ?-594) , đắc pháp nơi tổ Tăng Xán . Ngài là người Ấn Độ, qua Trung Quốc rồi đến Việt Nam vào năm 580, tu tại chùa Pháp Vân (hay chùa Dâu), thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh và truyền cho tổ thứ hai là Pháp Hiền. Dòng thiền này truyền được đến 19 thế hệ. Dòng thiền thứ hai do Vô Ngôn Thông (?-826), đệ tử của Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải sang Việt Nam truyền tông chỉ Huệ Năng, lập ra vào năm 820, tu tại chùa Kiến Sơn, thuộc Gia Lâm, Hà Nội. Dòng thiền này truyền được đến 17 đời. Dòng thiền thứ ba là Vân Môn tông do Thảo Đường, đệ tử của Tuyết Đậu Trọng Hiển, vốn là tù binh bị bắt tại Chiêm Thành và được vua Lý Thánh Tông giải phóng và cho mở đạo tại chùa Khai Quốc vào năm 1069. Dòng thiền này truyền được đến 6 đời. Năm 1299, vua Trần Nhân Tông, dưới sự hướng dẫn của thiền sư Tuệ Trung Thượng Sỹ, xuất gia và lên tu ở núi Yên Tử, thuộc huyện Đông Triều, Quảng Ninh, thống nhất các thiền phái tồn tại trước đó và lập nên Thiền phái Trúc Lâm. Sau này, một số thiền phái khác xuất hiện như phái Tào Động do Thiền sư Thạch Liêm ( 1633-1704), tông Tào Ðộng đời thứ 29 , truyền sang miền Trung Việt Nam dưới thời Trịnh-Nguyễn, phái Liên Tôn vào thế kỷ 16-19 (có trụ sở tại chùa Bà Đá và chùa Liên Phái, Hà Nội), phái Liễu Quán (Liễu Quán là tên một vị tổ thuộc dòng Lâm Tế) vào thế kỷ 18 (miền Trung), phái Lâm Tế dưới thời nhà Nguyễn (miền Trung, và sau này phát triển ở miền Nam). Thiền tông Việt Nam đề cao cái "tâm". "Phật ở tại tâm", tâm là Niết Bàn, hay Phật.

           Thiền tông ở các nước phương Tây ngày nay có được phần lớn là qua sự đóng góp của các thiền sư Nhật Bản. Các thực nghiệm Thiền cũng đã thay đổi để đáp ứng tư tưởng và bản năng người Tây phương. Khái niệm Zen đối với người Tây phương chẳng những đã không còn xa lạ mà còn thâm nhập cả vào nếp sinh hoạt. Nhiều tác phẩm văn hóa, khoa học, nghệ thuật, triết lý đã đặt thêm chữ "Zen" vào trong tựa đề. Thiền tông chính thức truyền sang Hoa Kỳ do Thiền sư Thích Tông Diễn ( shaku sōen) cũng được gọi là Hồng Nhạc Tông Diễn ( kōgaku sōen) vào năm 1893. Người có công rất lớn truyền bá rộng rãi Thiền tông ở các nước phương Tây là Daisetz Teitaro Suzuki (1870-1966), môn đệ của Thích Tông Diễn. Bộ "Thiền luận" ba tập (Essay in Zen Buddhism) đã được dịch ra nhiều thứ tiếng , rất thành công trong hai thập niên 1950 và 1960. 

           Phương pháp tu thiền

           Nguyên tắc của các Thiền sư là chỉ dạy các môn sinh bằng sự tiếp xúc cá nhân. Sự hiểu biết nguyên lý là sự hiểu - biết phi - hiểu - biết (non - connaisance), - do đó phương pháp tu hành cũng là phi - hiểu - biết. Nói một cách khác chân lý của Thiền là Chân Lý Tuyệt Ðối hay Bất Nhị nên không thể dùng lý trí để hiểu biết hay phán xét vì lý trí của con người là một cái gì hết sức mâu thuẫn và phức tạp . Những vấn đề do lý trí đặt ra càng ngày càng rối rắm không sao giải quyết được vì thực tướng của vạn vật không phải có mà cũng không phải không . Nó vừa có vừa không nên con người không thể ý niệm nó được . Khi ta nói màu nầy là màu đỏ , đó là ta khẳng định . Hay ta nói màu nầy không phải đỏ . Ðó là ta phủ định . Nếu ta suy luận theo cách nhị nguyên như vậy thì khẳng định và phủ định không thể đồng thời cùng áp dụng một lúc cho sự vật . Nghĩa là A là A , chứ A không thể là không phải là A . Nhưng đối với Phật thì khẳng định tức là phủ định và phủ định tức là khẳng định . Ðó là chỗ mà Phật thường nói : " Sắc tức thị Không , Không tức thị Sắc " - Có tức Không , Không tức Có . Hai cái đó không phải là Hai ( Bất Nhị) . Như vậy , nguời muốn đi vào cảnh giới Tuyệt Ðối , Chân Như thì phải có một thứ hiểu biết : " hiểu mà không hiểu , biết mà không biết" . Ðó là Vô Niệm hay Vô Thức nghĩa là không thể ý niệm , không vướng mắc vào sự phân biệt cái nầy với cái kia , vì hễ có ý niệm là có phân tích , có chia rẽ . Bởi thế các học giả Tây Phương muốn giải thích một cách khoa học về các ý niệm trên đều thất bại vì khoa học thì dùng lý trí để giải thích một phần nào các hiện tượng của vạn vật chứ không nhập được vào cái Tâm Vô Niệm để có một cái nhìn vượt không gian và thời gian , vuợt khỏi vòng mâu thuẫn , hữu hạn ...
           Người ta nói rằng Mã Tổ, trước khi trở thành môn sinh của Hoài Nhượng (mất năm 744) sống trên núi Hoành Sơn. Mã Tổ ở trong một túp lều cô độc và một mình thực hiện sự suy tưởng. Một hôm, Hoài Nhượng xoa xoa mấy viên gạch trước túp lều. Mã Tổ trông thấy, hỏi Hoài Nhượng ông làm cái gì thế. Hoài Nhượng trả lời có ý định muốn làm một chiếc gương. Mã tổ nói: "Xát các viên gạch vào với nhau làm sao lại làm ra được gương? Hoài Nhượng nói: "Nếu xát các viên gạch vào với nhau mà không làm được gương thì làm sao sự suy tưởng có thể làm thành Đức Phật?”. Với lời nói nầy , Mã Tổ được giác ngộ và trở thành môn sinh của Hoài Nhượng .
           Như vậy theo Thiền học, phương pháp tốt nhất để tu hành không phải là tự tu hành. Tự tu hành đòi hỏi một sự cố gắng, một sự nỗ lực tức là hành động . Sự cố gắng ấy đúng là sẽ tạo ra một số hiệu quả tốt nhưng hiệu quả ấy không vĩnh cửu. Hoàng Bá nói : "Tất cả mọi hành động chủ yếu đều là không bền vững. Mọi sức mạnh đều có ngày cuối cùng. Chúng giống như chiếc sào nhọn ném vào không trung, khi đã hết lực, nó rơi xuống đất. Tất cả mọi hành động đều gắn liền với vòng tử sinh. Thực hiện sự tự tu luyện bằng các hành động là hiểu sai ý của Phật và là một công việc mệt nhọc mà chẳng đi đến đâu cả... Nếu người ta không hiểu thế nào là vô tâm (không có ý định làm cái gì hết), người ta sẽ gắn chặt với các đồ vật và sẽ đi vào bế tắc... Thật ra chẳng có gì là phép bồ đề cả. Phật nói điều đó là chỉ dùng cách để dạy chúng sinh thôi... Cách duy nhất để làm là phải tự giải thoát khỏi nghiệp (Karma) cũng khi có hoàn cảnh, chứ không phải tạo nên một Karma mới để dẫn những tai họa mới..."
           Vậy thì phương pháp tốt nhất để tu luyện tinh thần là làm tròn nhiệm vụ mà không cần phải gắng sức và không có hậu ý nào trong tinh thần. Điều đó đúng như các nhà Lão học gọi là vô vi và vô tâm . Krishnamurti có nói: "Cuộc sống tự nó không có mục đích gì cả . Nó là vậy vì nó phải vậy . Nói đến mục tiêu là đặt giới hạn cho cái sống vô chung vô thủy . Lý tưởng không thực , chỉ là một mơ mộng mà thôi . Chỉ có cái sống trong hiện tại mới có thể gọi là thực mà thôi." Phương pháp tu luyện này không nhằm để cuối cùng thu được kết quả .Nó nhằm làm những việc mà không đòi hỏi phải cố gắng nào hết. Ðó là hành động một cách tự nhiên và sống một cách tự nhiên. Khi không có một hành động nào kéo theo hậu quả tích lũy từ trước thì Karma sẽ khô cạn. Người ta được giải thoát khỏi vòng tử sinh và đạt đến Niết bàn. 
           Các Thiền sư nhấn mạnh đến sự tu luyện tinh thần không đòi hỏi những hành động gì đặc biệt như những nghi lễ, những bài cầu kinh ... Người ta chỉ cần, trong cuộc sống hàng ngày, có tinh thần thanh thản, không bị ràng buộc bởi bất cứ ý đồ gì. Thoạt đầu, người ta cần phải cố gắng để không còn có một cố gắng nào hết giống như để quên lãng . Sau đó phải gạt bỏ luôn cái cố gắng đó để không còn sự cố gắng nào cả . Phép "vô tu chi tu" ấy tự nó cũng là một phép tu, giống như sự hiểu - biết cái không - hiểu - biết, ít nhất cũng là một hình thức của sự hiểu - biết. 
           Việc tu luyện chẳng cần phải lâu hay mau, tự nó chỉ là một công việc chuẩn bị. Muốn đạt được đến Phật tính sự tu hành phải được thực hiện cho đến giai đoạn chín mùi biểu hiện bằng sự giác ngộ . Các thiền sư thường nói sự giác ngộ như vậy cũng giống nhận thức về Đạo. 
           Nhận thức được Phật là nhận thức được vạn hữu là một , vì chỉ căn cứ vào "một vật" mà thôi cũng có thể thu hết "vạn vật" , hoặc "vạn vật" có thể thu vào "một vật" .Khoảng mênh mông của cái trống rỗng chỉ là một trạng thái, trong đó không có sự phân biệt nào hết cả. Trong trạng thái ấy, theo các Thiền sư, "hiểu biết và chân lý trở thành không phân biệt được cũng như đồ vật và tinh thần chỉ là một đơn vị duy nhất và lúc bấy giờ sẽ không còn sự phân biệt giữa chủ thể và khách thể trong thể nghiệm”.
           "Một con người đang uống thuốc có thể biết được nước ấy nóng hay lạnh" (Huệ Năng). Về sau, lời nói này được rất nhiều thiền sư nhắc đến. Qua câu này, họ hiểu là chỉ có người nào đã thể nghiệm sự không phân biệt giữa chủ thể và khách thể mới thực sự hiểu nó là thế nào.Trong trạng thái ấy, chủ thể đã tách khỏi sự hiểu biết theo nghĩa thông thường bởi vì loại hiểu biết ấy đòi hỏi sự phân biệt giữa người biết và đồ vật được biết. Nhưng thiền giả không phải không hiểu biết bởi vì trạng thái của mình khác với trạng thái của kẻ không hiểu biết một cách mù quáng.
           Bắc tông đi theo con đường “tiệm ngộ” và “mượn kinh giáo để ngộ tông” . Tiệm ngộ là giác ngộ từ từ theo từng cấp bậc giống như sự chín của trái cây hoặc công việc làm đồ gốm , hoặc một sự điêu luyện nào đó của nghệ thuật cần phải tuần tự tiến dần theo thời gian.
           Trái lại theo Nam tông thì sau thời gian chín mùi thì sẽ xảy ra sự giác ngộ đột xuất (đốn ngộ) giống như bước nhảy vọt qua một hố sâu. Chỉ có sau bước nhẩy ấy, mới đạt được đến Phật tính. 
           Khi một môn sinh đã Đốn Ngộ (Illumination subite) cũng là lúc Thiền sư có thể giúp đỡ môn đệ của mình. Khi sắp sửa nhảy, thì một sự giúp đỡ nào đó, dầu rất nhỏ, cũng có giá trị lớn. Lúc này, Thiền sư sử dụng cái mà họ gọi là phương pháp "cây gậy hoặc tiếng thét" để giúp môn sinh nhảy sang Đốn ngộ.
           Trong các truyền thuyết về thiền học, có những trường hợp Thiền sư hỏi một môn sinh về một vấn đề gì đó, bỗng nhiên nhảy đánh cho môn sinh mấy gậy hoặc thét lên một tiếng gì đó. Nếu những hành động ấy làm đúng lúc, môn sinh sẽ tức khắc đạt đến Đốn ngộ. Có thể là hành động bất ngờ của Thiền sư tạo nên một chấn động tâm lý giúp môn sinh đạt đến điều đã được chuẩn bị từ lâu. Người được Đốn ngộ tự nhiên thấy mọi vấn đề được giải quyết.
           Đạt đến Đốn ngộ không có nghĩa là đạt đến cái gì mới. Cái hiện thực cũng là cái thuộc về hiện tượng (phénoménal) .Thiền học nói: "Ngọn núi là ngọn núi, con sông là con sông”. Trong trạng thái mơ ta thấy ngọn núi là ngọn núi, con sông là con sông. Nhưng sau khi Đốn ngộ (đã giác ngộ) ta vẫn thấy ngọn núi là ngọn núi và dòng sông là dòng sông. Mọi vật đều thuộc về Phật và chỗ nào cũng có Phật. Người ta kể rằng một nhà tu Thiền vào một ngôi đền và nhổ nước bọt vào tượng Phật. Bị mọi người chỉ trích, ông nói: "Tôi nhờ các ông chỉ dùm cho tôi có chỗ nào không có Phật?".
           Như vậy, thiền giả sống hoàn toàn như mọi người khác và cũng làm bất cứ việc gì như mọi người khác. Từ bến mê đến cõi giác, thiền giả đã để nhân loại ở hai bên kia cõi sinh tử, còn mình thì đi vào cõi hiền triết.            Và sau đó, thiền giả cũng phải để trạng thái hiền triết ở lại đằng sau và một lần nữa, lại đi vào cõi sinh tử của nhân loại. Điều này được nói rõ như sau: "Lên cao thêm một bậc nữa trên ngọn cây tre khoảng một trăm bước". Điều đó có nghĩa là khi đã giác ngộ, thiền giả còn có việc khác phải làm - thật ra không có gì khác hơn là những điều bình thường của cuộc sống hàng ngày- nhưng ý nghĩa thì lại khác vì bản thân của thiền giả không còn là con người trước kia nữa , có nghĩa là bậc giác ngộ không còn ràng buộc với cái gì nữa hết. Bậc giác ngộ là người bơi lội trong nước , chứ chưa từng rời khỏi nước , nhưng vẫn không bị nước chi phối nữa - sống trong nước như loài thủy tộc vì Người với Nước là Một rồi .
           Đó là phương châm Thiền học. "Ngày nào cũng ăn nhưng không nuốt một hạt nào cả. Ngày nào cũng mặc quần áo nhưng không đụng đến một sợi vải". Hay nói cách khác tu giải thoát bằng cách nhập thế chứ không tu giải thoát bằng cách xuất thế .

           Tập Thiền

           Nếu như Thiền là để ổn định tâm thần , khiến cho tâm hồn thảnh thơi thì tập thiền sẽ đem lại những thành quả tốt đẹp cho tinh thần: chúng ta sẽ gặp gỡ chính bản thân chúng ta, hiểu rõ những điều sâu kín nhất trong con người chúng ta. Sống cuộc sống của ta, thanh thản , tự nhiên... Mục đích của thiền không phải là tìm hiểu thế giới hoặc là đi tìm cảnh tiên ( coi chừng "tẩu hỏa nhập ma" nếu theo các lối tu tập của tà giáo ) mà là để hiểu, để biết chúng ta thật sự là ai, là cái gì, làm những gì trong khoảng khắc hiện tại. 
           Vậy chúng ta phải tập thiền như thế nào ? Một thiền sư nói : "Ngồi thiền nghĩa là cảm thấy hài lòng với việc ngồi khi ta ngồi, hài lòng với việc đi khi ta đi". 
           Hãy bắt đầu ngay với chính những động tác quen thuộc hàng ngày như làm bếp : thái thịt , cắt rau ; làm vườn : nhổ cỏ , cuốc đất ... Khi ta thái thịt, hãy cố gắng tập trung vào từng cử chỉ, vào những gì ta cảm thấy khi ta chạm vào miếng thịt , tập trung vào từng cử động của tay. Tập trung vào khoảng khắc đó và chỉ khoảng khắc đó thôi. Bình thường ta sẽ cảm nhận thấy dòng suy tưởng tràn vào đầu óc ta từ mọi hướng, nhưng khi ta chỉ chú ý vào động tác thái, ta có thể làm sự chuyển động của chúng yên lặng. 
           Thoạt đầu, việc này rất khó vì ít người có thói quen làm đầu óc trống rỗng và không biết cách chế ngự những nỗi lo lắng. Thế nên lần đầu tiên chỉ nên kéo dài trạng thái này trong 3 giây, lần sau có thể là 10 giây, rồi nâng dần lên. Nếu tập luyện đều đặn, ta sẽ ý thức rõ những nỗi lo lắng, những suy tưởng đang ám ảnh ta đều có thể bị chặn đứng. Cứ làm nhiều lần việc đó sẽ dần trở nên tự nhiên. 
           Tư thế thiền ngồi xếp bằng trầm tư có thể làm thay đổi thế giới trong mắt các phật tử, theo đúng nghĩa đen của nó. Tư thế này khiến nhà sư nhìn cảnh vật theo một cách tươi sáng hơn và lưu giữ những hình ảnh hạnh phúc trong đầu lâu hơn.
           Chỉ cần vài phút tĩnh tâm, bỏ quên thực tại, hướng tâm điểm vào tâm hồn bên trong, mọi căng thẳng sẽ nhanh chóng biến mất, giúp bạn nhận diện vấn đề một cách sáng suốt hơn. Quy tắc quan trọng để thiền có hiệu quả là không bị phân tâm. Chúng ta có thể thực hiện theo các bước thiền căn bản sau đây:

1- Chuẩn bị: trước khi vào thiền, nên hoàn thành mọi công việc trong ngày để tư tưởng không bị vướng bận. Tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo rộng, chọn một nơi yên tĩnh, thoáng mát và không có ruồi muỗi.

2- Ngồi thiền: bằng cách ngồi bán già hay kiết già. Giống như một thiền sư, nên ngồi thẳng trên một miếng đệm êm, lưng thẳng, mặt hướng về phía trước, cằm hơi đưa vào để xương sống được thẳng; lưỡi chạm nhẹ vào nướu răng trên. Tay buông lỏng đặt trên đùi hoặc đan chéo nhau để trước bụng (miễn sao thấy thoải mái), cơ bắp thư giãn. Có thể ngồi dựa lưng vào tường, hoặc kê thêm gối vào các chỗ mỏi ...

3- Nằm thiền: nếu không thích ngồi thẳng, có thể nằm dài xuống sàn nhà, hoặc trên giường kê chân lên một chiếc gối (bắt đầu từ phần bắp chân). 

4- Thời gian thiền: tùy theo mức độ quen thuộc của mỗi người. Lúc đầu có thể là 5 phút, sau đó tăng lên 10, 20 phút... Có thể mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng để kéo dài thời gian thiền. Ðặc biệt chúng ta không nên gò ép mình theo một kế hoạch cụ thể mà nên để tiến trình diễn ra tự nhiên. 

5- Thở bằng mũi: khi thiền nên tập trung đến sự chuyển động của hơi thở, sự chuyển động lên xuống của bụng . Không thở bằng miệng . Không buông trôi trí óc khi đang nằm thiền. Chặn đứng những ý nghĩ tản mạn ,mông lung . Một cách đơn giản là dù chúng ta đang mải mê với cảm giác hoặc ý tưởng gì đó hãy cố gắng hướng sự tập trung trở lại hơi thở. 

6- Xả thiền: sau khi ngồi thiền, nên làm một vài động tác để cơ thể hết tê mỏi, khí huyết lưu thông trước khi đứng dậy. Từ từ buông lỏng hai chân, xoay người qua lại nhiều lần, xoay ở vùng hông và cổ. Từ từ vuốt nhẹ hai bên sống mũi, từ đầu mũi xuống chót cằm, vuốt ấm hai vành tai. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho ấm rồi áp vào mắt. Dùng hai bàn tay xoa bóp dọc theo hai chân, từ đùi dài xuống bàn chân, xoa ấm hai lòng bàn chân.

7- Những chướng ngại cần gạt bỏ :
* Sự lang thang của tâm trí: đây là vấn đề không thể tránh khỏi của tinh thần chúng ta. Khi gặp trường hợp này, nên tập trung đếm hơi thở .Việc đếm những hơi thở sẽ giúp chúng đạt được mục tiêu này. Chúng ta cũng nên tránh những yếu tố kích thích bên ngoài để dễ nhập định. 
* Ngủ gật: đây là một phản xạ tự nhiên của cơ thể khi thư giãn. Nếu là người dễ ngủ gật, hãy chọn cách ngồi thiền, cố gắng thẳng lưng, tập trung vào một điểm nào đó trước mặt cách bạn chừng một mét. 
* Không ngồi yên: mỗi lúc ngồi thiền, chúng ta có cảm giác bồn chồn, khó chịu, nhất là với những người thường xuyên di chuyển. Biện pháp để khắc phục là cố gắng thiền đi bộ: bước những bước nhỏ quanh nhà hoặc sân vườn, mỗi bước khớp với một hơi thở, bình thản, nhìn hơi thấp xuống, dồn tập trung vào từng hơi thở và từng bước đi. 
* Đau lưng, mỏi gối: đây là phản xạ tự nhiên khi chúng ta chưa quen, dù là nằm hay ngồi. Cảm giác bồn chồn, không yên cũng hay làm mệt mỏi. Khi gặp điều này, nên điều chỉnh lại cơ thể mình, chuyển sang một vị trí khác vững chãi hơn hoặc chọn thiền nằm. Nếu những cơn đau không dứt, hãy chọn thiền đi bộ. 
* Không thấy hiệu quả: sự cảm nhận về thiền phụ thuộc vào từng cá nhân. Với một số người, đơn giản là họ đã nhận thức được những ý nghĩ mà luôn rượt đuổi trong tinh thần họ bấy lâu. Có người lại tìm thấy ở thiền một cảm giác tập trung cao độ hoặc chỉ là một cái thở sâu thư giãn. Cũng có lúc, những nhận thức trước về thiền lại tiêu khiển ý nghĩ của họ. Tốt nhất khi thiền hãy cố tập trung vào hơi thở, tránh những mong đợi không thực tế rằng phải có một cái gì vĩ đại xảy ra. 
* Không có thời gian: quá bận bịu với công việc, và bị cảm giác này áp đảo. Hãy bớt chút thời gian cho thiền. Dậy sớm hơn khoảng 10 phút hoặc trước giờ đi ngủ mỗi ngày, chúng ta nên dành 10 phút để thiền thường xuyên. Việc chúng ta cần là thời gian và lòng kiên trì .

           Liệu pháp Thiền

           Năm 1944, trong một số nhà tù ở Ấn độ , một khóa thiền 10 ngày được mở dành cho tù nhân với hi vọng làm giảm mức độ bạo động trong tù cũng như giảm tỉ lệ tái phạm sau khi được mãn án. Hơn 9.000 tù nhân được tham gia các khóa học này và kết quả khả quan hơn nhiều so với mong đợi của nhà chức trách. Nhiều tù nhân được trả tự do trước khi khóa học kết thúc đều xin ở lại để tiếp tục thực tập. Tù nhân đã bớt hung hãn hơn, các cuộc bạo động giảm đi. Nhiều tài liệu ghi lại cho thấy, sau khóa học, mối quan hệ giữa tù nhân và cai ngục được cải thiện một cách đáng kể. 
           Năm 1980, tại khoa Y của đại học Harvard (Mỹ), các bác sĩ đã làm những thử nghiệm với các nhà sư ấn Độ với sự giúp đỡ của đức Đạt Lai Lạt Ma. Các nhà sư ngồi thiền trong căn phòng có nhiệt độ 40 độ C, họ khoác lên mình những tấm khăn nhúng vào nước lạnh. Thay vì run cầm cập như các nhà khoa học nghĩ, thân nhiệt của các nhà sư làm khô các khăn choàng. Họ còn có thể làm chậm mức độ hoạt động của thân thể xuống 64%, trong khi mức độ hoạt động của thân thể con người thường chỉ giảm xuống từ 10 - 15% khi ngủ. 
           Trong một cuộc thử nghiệm với các bệnh nhân trầm cảm (Depression), thiền giúp họ giảm nguy cơ khủng hoảng từ 37 -66%. Gần đây nhất, người ta đã dùng máy móc ghi lại hoạt động của não trong quá trình thiền. Mặc dù bị gò bó với một đống dây nhợ, máy móc, những người tham gia thí nghiệm vẫn có tâm trạng hưng phấn sau 3 giờ thiền liên tục. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, thiền có ảnh hưởng tốt với con người dù họ ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Thiền khiến cho mức độ chuyển hóa cơ thể (metabolism) giảm, nhịp tim đập và nhịp thở giảm, áp suất máu hạ, có thêm những sóng alpha (làm giảm nhịp chuyển sóng giữa các tế bào não) làm con người luôn khỏe khoắn và tươi mát. 
           Nhiều người vẫn nghĩ chỉ có các nhà sư hay những người hết sức đặc biệt mới có thể ngồi thiền. Nhưng thực tế ai cũng có thể thiền hàng ngày, mọi nơi, mọi lúc. Chỉ cần vài động tác đơn giản nhưng thiền lại có thể giúp làm giảm huyết áp, giảm cortisol gây stress, cholesterol, tăng khả năng óc sáng tạo và hệ miễn dịch, giảm lo lắng, sinh ra kháng thể chống cúm... Không chỉ khỏe mạnh về thể chất, những người ngồi thiền còn có khả năng bình tĩnh, kiềm chế được cảm xúc bản thân và có xu hướng nhìn mọi việc lạc quan hơn. 
           Tập thiền sẽ giúp đầu óc thảnh thơi, tận hưởng những khoảng thời gian yên tĩnh hiếm hoi để tái tạo nguồn nǎng lượng. Khi ta biết cách đạt tới trạng thái ổn định về tâm thần, ta có thể dễ dàng chế ngự stress, vượt qua khủng hoảng. Ổn định tinh thần cũng làm tǎng cường hệ thống miễn dịch, chia xẻ đau đớn để cơ thể sẽ không phải một mình đương đầu với những nỗi đau thể xác. Cuối cùng, tập thiền sẽ tǎng cường khả nǎng làm việc, sáng tạo, khi tập thiền con người rơi vào trạng thái siêu vô thức nên trực tiếp diễn giải và giải phóng nguồn nǎng lượng. Như vậy, tập thiền cũng có nghĩa là vệ sinh thân thể, là một trạng thái sống. Thiền làm thay đổi nhãn quan con người .

           Con người mới

           Cuộc sống luôn luôn đổi mới , tạo nên những tình cảm mới . Ngày hôm nay không thể giống ngày hôm qua và đó là cái tuyệt mỹ của lẻ sống con người . Suốt đời chúng ta sẽ là một cuộc chết mòn nếu như trong đời sống hằng ngày chúng ta chỉ lo bắt chước kẻ khác , sao chép lại những gì kẻ khác nói . Cái sống là cái thực tại vô tận , đừng bắt nhốt cái sống động trong một cái khung cứng ngắt , nhốt biển cả vào một chung nuớc , nhốt gió lộng ngàn phương trong một cái chai gắn kín ... Cuộc sống của thiền giả là cuộc sống của một người có tinh thần vô trụ . Hãy xem sự vật xảy ra y như nó đang xảy ra , mà đừng mong ước nó phải xảy ra như thế nào ? Sống là phải đáp ứng kịp thời không thể chậm trễ giống như tấm gương nhận tia sáng nào là liền phản chiếu lại ngay . Gương nhận hình , chiếu lại hình , không thu giữ hình bóng nào cả . Thiền là môn tu học để chuyển hóa chúng ta trở thành con người mới đó .

No comments: