October 8, 2012

Bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra như thế nào?


Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng thường rất gay cấn, kéo dài và hao tiền tốn của. Kể từ lúc bắt đầu tiến hành thăm dò dư luận để quyết định ứng cử cho đến khi trở thành tổng thống là cả một quá trình phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn bỏ phiếu.

Nhà Trắng, nơi ở và làm việc của các tổng thống Mỹ. Ảnh: Maximum.
Nhà Trắng, nơi ở và làm việc của các tổng thống Mỹ. Ảnh: Maximum
Khi một chính trị gia có tham vọng trở thành tổng thống Mỹ, việc đầu tiên người này phải làm là thành lập một ủy ban thăm dò, nhằm tìm hiểu triển vọng của mình trong mắt các cử tri và quyên tiền phục vụ cho chiến dịch vận động.
Nhiều người đã lập ra ủy ban thăm dò trước cuộc bầu cử tới hai năm. Người nào nhận thấy không có khả năng được sự ủng hộ rộng rãi của cử tri qua tìm hiểu của cơ quan này, họ sẽ lập tức rút lui. Còn khi thu được kết quả khả quan, người đó sẽ chính thức tuyên bố ra ứng cử tổng thống và bắt đầu vận động ở các bang then chốt.

Vận động tiến cử

Mùa tiến cử là quãng thời gian các ứng viên cạnh tranh trong nội bộ mỗi đảng, nhằm trở thành người đại diện duy nhất của phe Cộng hòa hoặc Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng. Thông thường giai đoạn tiến cử này mở màn vào đầu tháng 1 của năm diễn ra bầu cử và kéo dài tới tận tháng 6 năm đó.
Trong giai đoạn này, cử tri tại mỗi trong số 50 tiểu bang của Mỹ bầu chọn ra các đại diện địa phương mình tới dự đại hội đảng toàn quốc của đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ, sự kiện sẽ được tổ chức mấy tháng sau đó. Nội dung chính của đại hội này là chọn ra ứng viên tổng thống duy nhất của đảng tranh cử tổng thống.
Cách thức chọn đại biểu tham dự đại hội đảng diễn ra khác nhau. Một số bang dùng các cuộc họp kín địa phương diễn ra ở nhà riêng, trường học hay các nơi khác (gọi là caucus) để chọn ra những đại diện dự đại hội đảng và những người này đều tuyên bố rõ họ sẽ ủng hộ ứng viên nào. Ví dụ năm nay bang Iowa đã chọn hình thức caucus, mở màn năm bầu cử 2008.
Một lá phiếu bầu ứng viên tổng thống đảng Dân chủ trong cuộc họp kín (caucus) ở khách sạn Luxor, Las Vegas hôm 19/1/2008. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, một số bang khác lại sử dụng hình thức bỏ phiếu sơ bộ (gọi làprimary). Cách này cho phép tất cả những cử tri có đăng ký bỏ phiếu được quyền chọn đại diện tham dự đại hội đảng, thay vì chỉ những đảng viên tích cực tham gia như trong các cuộc họp của hình thức caucus.
Thực chất của giai đoạn tiến cử với các hình thức caucus hay primary là cuộc vận động của các ứng viên, để tranh thủ sự ủng hộ từ phía cá nhân các cử tri. Để từ đó đại diện của những cử tri này sẽ đến dự đại hội đảng bỏ phiếu "chốt hạ" ứng viên cuối cùng ra tranh cử tổng thống.

Chặng cuối

Các đại hội đảng của phe Cộng hòa và Dân chủ thường được tổ chức vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống và nội dung chính trong sự kiện này chính là chọn ra ứng viên đại diện của mỗi đảng tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Những đại biểu dự đại hội đảng được lựa chọn qua các kỳ bỏ phiếu ở địa phương sẽ chọn ra ứng viên của mình. Tuy nhiên, từ kết quả tổng hợp từ các cuộc bỏ phiếu ở giai đoạn tiến cử, thì đến thời điểm diễn ra đại hội đảng thông thường người ta đã biết rõ ứng viên nào sẽ là người sẽ thắng.
Ứng viên chiến thắng của mỗi đảng sẽ chọn một người cùng ra tranh cử với mình và thường là một trong số những người thua cuộc.
Các cử tri đang bỏ lá phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ (primary) ở bang New Hampshire, hôm 8/1/2008. Ảnh: AP.

Chặng cuối của cuộc vận động

Sau đại hội đảng, ứng viên duy nhất của đảng Cộng hòa và Dân chủ mới bắt đầu trực tiếp đối đầu trong cuộc chạy đua. Họ sẽ chi những khoản tiền khổng lồ cho hoạt động quảng bá và cho một loạt các cuộc vận động ở các bang. Thời điểm này, một trong những hoạt động gây chú ý nhiều nhất là các cuộc tranh luận trên truyền hình giữa các ứng viên.
Các ứng viên độc lập không thuộc đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ cũng có thể tiến hành tranh luận trên truyền hình nhưng không bắt buộc.
Trong những tuần cuối cùng của chiến dịch vận động, các ứng viên sẽ tập trung vào các ''bang giờ chót'', tức các bang mà tại đó người ta vẫn không biết được ứng viên nào sẽ nhận được sự ủng hộ cho tới khi bầu cử diễn ra.

Ngày bầu cử

Bầu cử tổng thống ở Mỹ thường được tổ chức vào ngày thứ ba sau ngày thứ hai đầu tiên trong tháng 11. Về mặt kỹ thuật thì cá nhân các cử tri Mỹ (voter) không trực tiếp bầu tổng thống. Lá phiếu của họ gọi là phiếu phổ thông và việc của họ là chọn ra đại diện cử tri hay còn gọi là đại cử tri (Elector), tức những người đã tuyên bố rõ ủng hộ ứng viên này hay ứng viên kia.
Những đại cử tri nói trên hợp thành Cử tri đoàn (Electoral College). Tùy thuộc vào dân số mà mỗi bang của Mỹ có một số nhất định đại cử tri trong Cử tri đoàn này. Do đó ở hầu hết các bang, ứng viên nào được nhiều nhất phiếu phổ thông (popular vote) thì cũng nhận được toàn bộ phiếu của Cử tri đoàn (Electoral College) bang đó.
Bang đông dân nhất nước Mỹ California cũng là bang có nhiều phiếu đại cử tri nhất: 55 phiếu. Trong khi đó, một số bang nhỏ dân cư thưa thớt chỉ có 3 phiếu đại cử tri. Tổng cộng nước Mỹ có 538 đại cử tri trong Cử tri đoàn. Để trở thành tổng thống, một ứng viên cần hội đủ tối thiểu 270 phiếu trong Cử tri đoàn.
Cũng vì hệ thống bỏ phiếu này, một ứng viên có thể bước vào Nhà Trắng mà không cần đạt được đa số phiếu phổ thông (popular vote) mà chỉ cần đa số phiếu của Cử tri đoàn là được, như trong trường hợp cuộc bầu cử hồi năm 2000 khi ông George Bush thuộc phe Cộng hòa thắng đối thủ Al Gore của đảng Dân chủ.
Cụ thể năm đó ứng viên Al Gore giành được 48,38% phiếu phổ thông cả nước so với 47,87% của ông George Bush. Tuy hơn, nhưng Al Gore vẫn phải nhường bước cho ông Bush vào Nhà Trắng, bởi ứng viên Cộng hòa này nhận được 271 phiếu đại cử tri, trong khi Al Gore chỉ được 266 phiếu. Bang quyết định chuyện thắng thua này là Florida, nơi mà toàn bộ 25 đại cử tri tại đây bỏ phiếu cho Bush, bất chấp việc chênh lệch phiếu phổ thông tại Florida của hai ứng viên chỉ là 537 lá.
Trước đó hơn một thế kỷ, tình thế trên cũng từng xảy ra trong bầu cử tổng thống Mỹ. Năm 1888, ứng viên Benjamin Harrison trở thành tổng thống Mỹ khi giành đa số phiếu đại cử tri trong Cử tri đoàn, trong khi thua đối thủ là Grover Cleveland về số phiếu phổ thông.
Đình Chính (theo BBC)
(nguồn VnExpress)

No comments: