September 22, 2012

Vận đen của Romney



Những chỉ trích của ông này đối với những người nhận trợ cấp của nhà nước, vốn chiếm tới non nửa dân số Mỹ khiến bàn dân bất bình.Dư luận và báo chí Mỹ lại được một phen dậy sóng khi video ghi lén buổi gây quỹ hồi tháng 5 của Mitt Romney bị tung ra thanh thiên bạch nhật.


Trong video clip không rõ tác giả, Romney nhận xét 47% dân số Mỹ không đóng thuế thu nhập bởi vì "họ tin rằng họ là những nạn nhân" "có quyền nhận sự trợ giúp vô hạn của chính phủ" và vì thế những người này sẽ không bao giờ "gánh vác trách nhiệm cá nhân và tự chăm lo cho cuộc sống của mình". Ứng viên Tổng thống Mỹ còn không quên chua thêm rằng nghĩa vụ của ông, với tư cách một ứng cử viên "không phải là để lo lắng về những người như vậy".
Báo chí Mỹ tha hồ được dịp mổ xẻ, bình luận đến từng chân tơ kẽ tóc những phát ngôn hớ hênh của Mitt Romney. Thậm chí, tờ Express, ấn phẩm phụ của Washingon Post còn mở cuộc điều tra: Ai là 47%? Theo đó, 47% là 76 triệu hộ gia đình Mỹ không đóng thuế thu nhập trong năm 2011. 60% trong số đó là những người phải đóng thuế nhưng nghĩa vụ thuế của họ quá thấp không đạt định mức phải đóng thuế thu nhập.
Bộ máy tranh cử của Obama ngay lập tức đã chộp lấy cơ hội từ sai lầm này của đối thủ. Thư kí báo chí Nhà Trắng Jay Carney bóng gió mỉa mai: "Khi ông là Tổng thống Hoa Kỳ, ông là Tổng thống của mọi người dân, chứ không phải là tổng thống của những người bỏ phiếu cho ông".
Tiếc thay, đây không phải là lần duy nhất ứng viên của đảng Cộng hòa dính  "vạ miệng". Trong bối cảnh cơn bão dư luận quanh phát ngôn hấp tấp đêm 11/9 chưa kịp lắng xuống, chiến dịch vận động tranh cử của Romney rõ ràng đang bị phủ bóng đen đúng vào lúc cuộc chạy đua bước vào giai đoạn nước rút: 7 tuần trước ngày bầu cử.
Suốt một thời gian dài, Romney được coi là người may mắn nhất trong nền chính trị Hoa Kỳ. Một ứng cử viên bước ra từ bóng tối, vốn chẳng được mấy người biết đến ngoại trừ vai trò của một doanh nhân thành đạt và có được vài năm kinh nghiệm làm Thống đốc một bang cỡ trung bình, Massachusetts. Tham gia cuộc chạy đua vào vị trí ứng viên được đề cử của đảng Cộng hòa từ nhóm phía sau, vậy mà trước sự ngạc nhiên của biết bao người, Romney nhanh chóng nổi lên hàng đầu.
Sự thành công bất ngờ của Romney được gán cho vận may khi những nhân vật kỳ cựu không tham gia tranh cử. Những đối thủ tự xưng của ông ta thì hoặc quá kém cỏi như Tim Pawlenty, hoặc lố bịch như Herman Cain, hay tự hủy hoại mình như Newt Gingrich. Kết quả là Romney đã bước trên một con đường trải đầy hoa hồng để đi tới vị trí được đề cử làm ứng cử viên Tổng thống.
Vận may vẫn tiếp tục mỉm cười với Romney cho đến vài tuần gần đây. Nền kinh tế phục hồi với tốc độ con rùa khiến dân chúng thêm nản lòng vào tổng thống đương nhiệm. Liên tiếp trong các cuộc thăm dò dư luận, tỉ lệ ủng hộ Romney là "một chín một mười" so với Obama, thậm chí trong lĩnh vực kinh tế, chủ đề được coi là quyết định kết quả bầu cử năm nay, Romney còn dẫn trước tổng thống đương nhiệm vài phần trăm. Đến nỗi mà khi ứng viên Cộng hòa kết thúc chiến dịch tranh cử sơ bộ, cây bút bình luận nổi tiếng của phe bảo thủ, dù nghi ngờ năng lực tự thân của Romney cũng vẫn động viên Romney "hãy cầu nguyện cho nhiều vận may hơn nữa, một phẩm chất mà Napoleon đặt lên hàng đầu".
Nhưng giờ thì vận may dường như đang "đỏng đảnh" với Romney. Chiến dịch tranh cử của ông đang đứng trước ngã ba đường, trượt dài từ sai lầm này sang thảm họa khác. Trước phát ngôn gây tranh cãi về những người đóng thuế này là nhận định vội vàng vào đêm muộn 11/9, trong đó ông chỉ trích chính quyền Obama đã nương tay với những kẻ gây rối ở Cairo và Benghazi. Phát biểu của Romney xảy ra vào đúng thời điểm cả nước Mỹ đang bàng hoàng trước sự kiện Đại sứ Mỹ tại Lybia bị ám sát, trở thành vị Đại sứ thứ hai kể từ năm 1979 bị giết. Không ít người đã giận dữ buộc tội Romney là ích kỉ, chỉ biết tranh thủ lợi ích chính trị của cá nhân mình mà không đếm xỉa gì đến lợi ích quốc gia, khi mà đất nước đang trải qua thảm kịch quốc gia, cần sự chung tay, đoàn kết chứ không phải là chia rẽ và chỉ trích lẫn nhau.
Và trước đó nữa, Romney có một đại hội Cộng hòa cần phải quên đi. Một kì đại hội đã không giúp ích gì cho việc nâng cao hình ảnh của ứng viên Cộng hòa trước công chúng, mà ngược lại, thiên hạ chỉ nhớ đến hình ảnh Clint Eastwood, ngôi sao gạo cội của Hollywood với chiếc ghế trống, như một trò cười lố bịch. Ngược lại, kì Đại hội của đảng Dân chủ, tổ chức sau đấy một tuần lại thành công vang dội. Cho dù diễn văn của Obama không thành công như mong đợi, nhưng bài phát biểu của cựu Tổng thống Bill Clinton thì đã đi vào lịch sử.
Sự trái khoáy đó ngay lập tức đã được phản ánh trong các cuộc thăm dò cử tri được tổ chức sau đó. Từ khoảng cách sít sao, Obama đã vượt lên dẫn điểm. Cuộc thăm dò mới nhất được Washington Post công bố hôm Thứ hai vừa qua cho thấy Obama đã dẫn điểm trước Romney với cách biệt rõ ràng ở những bang chiến trường như Virginia.
Sự thiếu may mắn của Romney thực chất chỉ bộc lộ những hạn chế của ông này với tư cách là ứng cử viên tổng thống. Như cây bút bình luận nổi tiếng của Washington Post, EJ Dionne từng nhận xét với người viết, nhiều  năm nay, đảng Cộng hòa không đưa ra được một gương mặt sáng giá nào. Và Romney cũng không phải là ngoại lệ. Ông ta thiếu sự thu hút đối với công chúng như Clinton và Obama đã có. Và chiến dịch tranh cử của Romney thiếu sức sống  không khơi gợi được sự hào hứng từ dân chúng.
Trong khi đó, GS Calvin Mackenzie, nhà nghiên cứu chính trị Mỹ, chuyên gia về bầu cử cho rằng, cuộc đua năm nay bắt đầu giống với kịch bản năm 1996, khi Bill Clinton là tổng thống đương nhiệm và có quá nhiều nỗi thất vọng với nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Tuy nhiên, công chúng lại không có mấy hào hứng với đối thủ của Clinton, ứng viên đảng Cộng hòa Bob Dole. Kết quả là Clinton đã thắng cử.
Cuộc đua dường như đang xa dần khỏi Romney. Rất có thể rồi vận may sẽ quay trở lại với ông. Nhưng trong nền chính trị Hoa Kỳ, dân chúng thường chỉ đánh đổi vị tổng thống đương nhiệm với một lựa chọn mà họ tin chắc chắn là sự thay thế thực sự. Thế nhưng những gì mà Romney mời chào công chúng, cho đến nay vẫn chỉ là một ảo tưởng.
(nguồn Tuanvietnam.net)

No comments: