Trang

April 19, 2013

BÁO CÁO THAM LUẬN GIA ĐÌNH HIẾU HỌC



HỘI KHUYẾN HỌC TỈNH PHÚ YÊN             CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
                         Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
                                                                                                             

BÁO CÁO THAM LUẬN GIA ĐÌNH HIẾU HỌC

Kính thưa:     Các cấp lãnh đạo;   
                        Các quý vị đại biểu;
                        Cùng toàn thể các gia đình tiêu biểu có mặt trong hội nghị hôm nay.

            Tôi tên: Phạm Chí Tưởng;  sinh năm 1954.
            Quê quán: xã Xuân Thọ I, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
            Hiện cư ngụ tại: xã Xuân Thọ I, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
        
            Tôi rất vinh dự và tự hào được mời tham dự hội nghị “Biểu dương gia đình hiếu học tiêu biểu tỉnh Phú Yên”. Thay mặt gia đình, tôi xin chia sẻ báo cáo tham luận gia đình hiếu học đến với mọi người.
Kính thưa quý vị đại biểu!
            Dân tộc ta có truyền thống hiếu học, đó là truyền thống vô cùng quý báu được hun đúc hơn mấy ngàn năm qua. Nhờ truyền thống ấy mà trãi theo chiều dài lịch sử luôn xuất hiện những hiền tài, những danh nhân kiệt xuất làm rạng rỡ non song đất nước. Có thể kể ra đây như là: Nguyễn Hiền trạng nguyên nhỏ tuổi; Lý Thường Kiệt nổi tiếng với tuyên ngôn “Nam quốc sơn hà”; Nguyễn Trãi với “Bình Ngô đại cáo”; Nguyễn Du với “Truyện Kiều”; Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại với “Tuyên ngôn độc lập”… Trong thời đại ngày nay như là giáo sư Ngô Bảo Châu nổi tiếng với huy chương toán học Fields danh giá. Những gương sáng và hiếu học ấy sẽ trường tồn soi sáng đến muôn đời sau.

          Kính thưa quý vị đại biểu!
            Tôi sinh năm 1954 trong một gia đình bần nông và lớn lên khi đất nước đang còn chiến tranh. Tôi không nói nhiều, quý vị chắc ai cũng hiểu nỗi khổ của người dân khi đất nước còn chiến tranh. Cuộc sống luôn phải vật lộn với miếng cơm manh áo, luôn đầy ấp lo âu trong bom đạn, việc được đi học hồi đó rất khó khăn, nhưng cha tôi vẫn lấy sự học làm trọng, nên quyết chí cho anh em chúng tôi ai cũng được đến trường đi học. Càng lớn lên tôi đọc nhiều sách và càng ý thức được việc học và cố gắng học thật tốt để truyền lại kiến thức cho thế hệ con cháu sau này. Tôi đã chọn nghề giáo viên để thực hiện ước mơ của mình. Tôi cũng ý thức được rằng “Không gì tốt bằng khi cho con mình đầy đủ kiến thức” và tôi quyết tâm thực hiện điều đó.
            Sau khi lập gia đình vào năm 1972, những đứa con lần lượt ra đời. Khi đó tôi là giáo viên Trường cấp 1&2 xã Xuân Thọ 2 (sau này được đề bạt làm Hiệu trưởng Trường cấp 1&2 xã Xuân Thọ 2) và vợ tôi là Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Xuân Thọ 2 từ khi thành lập đến khi nghỉ hưu. Tôi và vợ luôn canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền. Với đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng giáo viên ngày đó chúng tôi cố gắng tằng tiện nuôi con lớn khôn. Đến tuổi đi học đứa nào cũng được cấp sách đến trường dù nhiều lúc buổi sáng không có gì ăn, bụng đói cồn cào, nhưng nhìn niềm vui được đi học, nhìn ánh mắt rạng ngời và ham học hỏi của những đứa trẻ tôi thấy lòng mình ấm lại, bao nỗi lo âu nhọc nhằn tan biến.
            Sách Tam tự kinh viết “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, ông bà ta nói “Dạy con từ thuở còn thơ” thật chính xác. Con người mới sinh vốn trong trắng như cây non mới nhú mầm lên khỏi mặt đất, bậc làm cha làm mẹ ngoài việc lo ăn mặc, ngủ nghỉ còn phải luôn chăm lo uốn nắn, dạy dỗ mới mong con cái nên người. Về việc dạy dỗ nên lấy Lễ làm trọng “Tiên học lễ hậu học văn”. Lễ là gốc con người phải thường xuyên dạy bảo và lập đi lập lại như “đêm ngủ ngày thức” để gieo vào lòng những đứa trẻ thói quen và thấm nhuần đạo lý ấy. Những bài học đạo đức, những lễ nghĩa tối thiểu như: Đi thưa về trình, kính trên nhường dưới, lễ phép với người lớn, yêu thầy mến bạn…luôn phải khắc sâu trong tâm trí trẻ thơ. Ngoài ra mỗi bậc cha mẹ nên là một tấm gương cho con cái học tập và noi theo. Tôi luôn nhắc nhở con cái tính trung thực “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”, tinh thần học hỏi và luôn giữ lễ trong xử thế “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Việc dạy của vợ chồng tôi là thế, nhưng việc hiểu và thực hiện được tôi cũng thầm cảm ơn con cái của mình.
            Cuộc sống không lúc nào cũng yên lặng êm ả như mặt nước hồ thu, sóng gió cuộc đời đã nổi lên, khi 36 tuổi, tôi lâm bệnh nặng, gia đình đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. Tôi không còn làm việc, không còn lương giáo viên, một mình vợ tôi gánh vác tất cả. Chồng bệnh, 6 đứa con đang ở tuổi ăn, tuổi học. Đứa con đầu học lớp 9, đứa gái út mới 2 tuổi. Chỉ kể ra thôi tôi nghĩ các bậc cha mẹ trẻ thời nay sẽ cảm thấy ái ngại.
Vợ tôi một thân một mình chạy đôn, chạy đáo lo tìm thầy chữa bệnh cho tôi, vừa công tác ở trường Mẫu giáo, vừa chăm 6 đứa con ăn uống học hành. Một công việc vô cùng nặng nề đè nặng lên đôi vai gầy gò của người phụ nữ. Chỉ nhờ lòng yêu chồng thương con vô hạn nên vợ tôi mới vượt qua được thử thách đầy gian nan của cuộc đời. Thương mẹ thương cha các con tôi rất có ý thức tự giác trong cuộc sống, luôn luôn giúp đỡ cha mẹ sau những buổi học, đứa thì kiếm củi, đứa hái rau, đứa giặt đồ, đứa nấu cơm. Cuộc sống tất bật nghèo túng theo năm tháng cũng dần trôi.
Đến năm 1992, đứa con trai đầu lòng thi đậu hai trường đại học. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, đã đến nỗi lo tiền đâu cho con đi học. Tuy nhiên với tinh thần lấy ngắn nuôi dài, từng bước tháo gỡ khó khăn gia đình tôi từng bước vượt qua. Đứa con đầu được học đại học như đầu tàu kéo đàn em nối bước theo sau. Cứ hai ba năm đến lượt thằng ba, thằng tư, thằng năm, con sáu, con gái út lần lượt vào đại học. Nỗi lo cơm áo gạo tiền, bao nhiêu chi phí cứ như chong chóng xoay tít, cũng chỉ dựa vào đồng lương giáo viên của vợ tôi và sự giúp sức của ông bà nội cũng như cô chú các cháu. Ngoài ra các cháu cũng rất yêu thương đùm bọc lẫn nhau, đứa lớn ra trường cố gắng tìm việc làm và giúp đỡ các đứa sau cứ thế mà thời gian trôi đi đã hơn hai mươi năm.
Hai mươi năm kể từ khi đứa con đầu lòng vào đại học năm 1992 đến khi đứa con út tốt nghiệp đại học năm 2011 là hai mươi năm cực kỳ gian khổ đối với gia đình chúng tôi. Với một lòng mong muốn cho con đầy đủ kiến thức, vợ chồng tôi đánh đổi tất cả để con được học hành đến nơi đến chốn và cũng là món quà lớn nhất để tặng các cháu bước vào đời. Và hiểu được tấm lòng của cha mẹ các con tôi luôn nỗ lực hết mình phấn đấu hoàn thành việc học. Quý vị có con học đại học cũng thấu hiểu nỗi vất vả mà gia đình chúng tôi đã trãi qua trong ngần ấy năm. Nhiều lúc vợ tôi phải vay tiền nặng lãi để có tiền cho con ăn học. Không thể vài lời mà diễn tả hết được khó khăn đã trãi qua. Ngoài ra trong hai mươi năm ấy chúng tôi còn dựng vợ cho bốn đứa con trai và gả chồng cho đứa con gái áp út.
          Kính thưa quý vị đại biểu!
“Qua cơn bỉ cực tới hồi thái lai” quả đúng vậy, bao nhiêu đau khổ, khó khăn, sóng gió của gia đình tôi đã nếm đủ. Nhiều lúc tôi nghĩ vợ chồng tôi không thể vượt qua. Trong gian khó mới thấy rõ chí vươn lên của từng thành viên trong gia đình: tự học, ham học, tự lập thân, lập nghiệp dù ở phương xa. Bây giờ ngồi viết bản tham luận này mới ngẫm nghĩ không biết tại sao mà gia đình vượt qua cơn sóng gió cuộc đời để có ngày hôm nay. Đối với vợ chồng tôi đó là “thương vụ đầu tư” vô tiền khoáng hậu, tất cả vì sự hiếu học của con em mình và chúng tôi đã thành công. Tôi thầm cảm ơn phúc đức ông bà để lại. Tôi thấy thương vợ yêu con vô cùng, cảm ơn họ mà tôi có được gia đình hạnh phúc.
            Hôm nay được đứng ở đây để chia sẻ niềm tự hào của gia đình tôi cùng quý vị, xem như một phần quả ngọt mà chúng tôi đã dày công chăm bón, uốn nắn bây giờ mới có được, các con tôi:
1/ Phạm Quốc Trí sinh năm 1974, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP.HCM ngành Kỹ sư xây dựng. Hiện nay là Phó giám đốc Công ty TNHH Thương Mại Xây Dựng Minh Đức.
2/ Phạm Quốc Dũng sinh năm 1976, tốt nghiệp Đại học Hàng Hải TP.HCM ngành lái tàu biển. Hiện nay là Phó phòng Bảo Minh Chợ Lớn TP.HCM.
3/ Phạm Quốc Toàn sinh năm 1979, tốt nghiệp Đại học Văn Lang TP.HCM ngành tài chính tín dụng. Đã làm việc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Sông Cầu. Hiện nay đang theo học thạc sĩ tài chính. (Tháng 7-2013 công tác ở Cục thuế thị xã Sông Cầu).
4/ Phạm Quốc Thắng sinh năm 1981, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội ngành bưu chính viễn thông. Nay công tác và sinh sống ở TP. Buôn Mê Thuột.
5/ Phạm Thị Minh Phú sinh năm 1983, tốt nghiệp Đại học Kinh Tế TP.HCM ngành tài chính ngân hàng. Hiện nay công tác Ngân hàng VPBank tại TP.HCM.
6/ Phạm Thị Minh Quý sinh năm 1987, tốt nghiệp Đại học Luật TP.HCM. Hiện nay đang công tác ở TP.HCM. (Tháng 11-2013 công tác Viện Kiểm sát nhân dân quận Tân Phú - TPHCM).
            Nhân dịp này xin đọc bài thơ “Phạm Gia” do con trai Phạm Quốc Trí làm khi đứa con gái út tốt nghiệp xong Đại học Luật TP. HCM. Bài thơ lấy tên của mỗi thành viên trong gia đình làm chữ đầu mỗi câu thơ để gắn kết nên bài thơ, cũng như thể hiện ý nguyện của cha mẹ, sự đoàn kết và ý chí vươn lên của gia đình:
Tưởng thưởng nhân duyên được thiên thời
Sen hoa thắm đức địa lợi tươi
Trí cao tài rộng nhân hòa mạnh
Dũng cảm kiên cường lấp biển khơi.
Toàn tâm dốc lực vì nghĩa lớn
Thắng lợi tưng bừng vang khắp nơi
Phú quí vinh hoa cùng chung hưởng
Quí hiển tổ tiên phả sáng ngời.
 Đến nay chúng tôi đã có 6 con ruột thành đạt, 4 con dâu, 1 con rễ đều có công ăn việc làm cùng 7 cháu nội và 1 cháu ngoại. Nhìn những đứa cháu chăm ngoan học giỏi vợ chồng tôi tự hào là những người cha, mẹ, ông, bà đầy hạnh phúc. Chúng tôi không giàu tiền giàu bạc nhưng về mặt con cháu thì chúng tôi là những người “đại phú”. Đây là niềm vui lớn của vợ chồng chúng tôi. Chúng tôi cố gắng duy trì tấm gương hiếu học trong gia đình để các thế hệ tiếp theo noi giương và học tập.
Chín năm qua gia đình chúng tôi luôn đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu”. Năm 2010 được các cấp thị xã, cấp tỉnh và trung ương khen tặng là “Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc”. Qua đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với gia đình tôi cũng như nhân dân cả nước.
          Kính thưa quý vị đại biểu!
            Để đạt thành quả như trên ngoài những nỗ lực vượt khó của cá nhân của gia đình, chúng tôi xin cảm ơn sự chia sẻ và giúp đỡ của gia đình hai bên nội ngoại; Cảm ơn các ban ngành địa phương luôn quan tâm giúp đỡ động viên lúc gia đình gặp khó khăn; Cảm ơn sự giúp sức của Hội khuyến học địa phương, Ngân hàng chính sách xã hội; Cảm ơn các trường học và thầy cô đã có công dạy dỗ con em chúng tôi ngày càng trưởng thành và hữu dụng cho gia đình, xã hội và đất nước. Tinh thần tôn sư trọng đạo tôi luôn nhắc nhở cho các con luôn nhớ để dạy dỗ cho thế hệ tiếp theo; Cảm ơn các công ty, ban ngành mà con chúng tôi đang công tác đã tạo điều kiện giúp đỡ con tôi phấn đấu hoàn thành công việc.
Tất cả mới chỉ có bước đầu, tôi dạy các con phải ý thức rằng “Học, học nữa, học mãi” mới là phương pháp tốt nhất để cống hiến nhiều hơn nữa cho gia đình và đất nước.

          Kính thưa quý vị đại biểu!
Mỗi một sự thành đạt của một người, một gia đình không chỉ là nỗ lực phấn đấu của từng thành viên mà còn có sự đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, chia sẻ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, ngoài ra còn nhờ vào phúc đức của tổ tiên để lại. Chúng ta tạo phúc hôm nay sẽ gặt được những quả lành ngày mai.
Xây dựng con người hiếu học, gia đình hiếu học là nền tảng của giáo dục nước nhà. Chúng ta ý thức rằng chỉ có nền giáo dục tốt mới đưa chúng ta đến bến bờ của vinh quang và hạnh phúc.
Người người học tập, nhà nhà học tập, phát huy truyền thống hiếu học của cha ông để lại, không ngừng tiến bộ, luyện tài góp sức vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh. Tôi tin rằng ngày càng có nhiều người hiếu học, nhiều gia đình hiếu học xứng đáng với truyền thống hiếu học lâu đời của dân tộc Việt Nam, đóng góp nhiều nhân tài cho xã hội cho đất nước và đó là điều chắc chắn.
Cảm ơn quý vị đã lắng nghe những chia sẻ của gia đình tôi. Kính chúc quý vị và gia đình sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. Chúc hội nghị “Biểu dương gia đình hiếu học tiêu biểu tỉnh Phú Yên” thành công tốt đẹp.
Trân trọng kính chào! 
 Xã Xuân Thọ I, ngày  tháng 4 năm 2013
NGƯỜI VIẾT BÁO CÁO
Phạm Chí Tưởng

Xem thêm bài viết về gia đình trên báo Phú Yên http://www.baophuyen.com.vn/300/108796/mot-gia-dinh-nong-dan-hieu-hoc.html

1 comment: