Gừng gió trị xơ gan cổ trướng | |
Dương Văn Minh Lộc | |
Lên mạng thấy nhiều người từ miền Trung đến miền Nam như Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Gò Công... khen cây gừng gió chuyên trị xơ gan cổ trướng mà cách uống giản đơn. Nhìn kỹ thì ra là cây ngải xanh mọc dại từng bụi ngoài rẫy nhà tôi ở Đồng Nai, thấy hoa đẹp quá nên tôi mới chừa lại bụi nhỏ chứ dân quanh vùng nhổ bỏ gần hết.
Tôi chạy ngay về Đồng Nai tìm mãi mới được một ít củ nhỏ, bứng lên rửa sạch đem cho chị tôi liền. Chị mới uống chưa đầy một ngày đã xẹp bớt bụng, người dễ chịu, sang tuần sau thì xẹp hẳn, ăn ngon ngủ yên. Cả nhà mừng quá, đúng là trời cứu. May mắn hơn, có người anh ở Gia Lai còn gửi tặng cả thùng to gần 3kg, chị tôi uống tiếp tục, bệnh ngày càng thuyên giảm.
Theo sách của GS-TS Đỗ Tất Lợi: “Gừng gió còn gọi là riềng gió, ngải xanh, cây mai gan (theo đồng bào dân tộc miền núi), riềng dại, gừng giềng. Là loại cây mọc hoang ở khắp nơi trong rừng, nơi đất ẩm ướt, mát ở bìa rừng hay dọc theo ven suối nơi đất núi rậm rạp. Cây gừng gió cao khoảng 1-1,3m, thân rễ dạng củ phân nhiều nhánh.
Khi còn non, củ màu vàng, thơm, càng già củ càng to, chắc; trong ruột có màu vàng, thơm ngọt dễ chịu... Trị phong hàn, giảm đau, ứ huyết nên trị được chứng trúng gió, chóng mặt, nôn nao, ngất xỉu, đặc biệt có khả năng tẩy độc, bồi dưỡng sau sinh, kích thích tiêu hóa, ăn ngon, ngủ tốt, khiến da dẻ trở nên hồng hào…”.
Gừng gió
Theo lương y Trang Xuân Chi, nguyên trưởng khoa Nội - Viện Quân y 13 - Bình Định: “Củ gừng gió có tác dụng điều trị xơ gan cổ trướng đơn thuần nghĩa là chứng xơ gan cổ trướng ấy không do viêm gan siêu B, C hay ung thư.
Chữa xơ gan cổ trướng: Thân rễ gừng gió 100g tươi, để nguyên vỏ rửa sạch, thái mỏng, cho vào ấm đất, đổ 4 bát ăn cơm nước, sắc nhỏ lửa còn 1 bát gạn lấy nước uống vào lúc 10 giờ. Nước hai cũng đổ 4 bát nước, sắc nhỏ lửa còn lại 1 bát uống vào lúc 16 giờ. Sau khi uống thuốc gừng gió chừng 1-2 tiếng sẽ thấy bụng sôi nhẹ và muốn đại tiện. Khi đại tiện thấy phân loãng, hôi, màu nhạt nâu như bã cà phê, thế là có tác dụng.
Tuy nhiên trong suốt thời gian sử dụng thuốc cần phải ăn nhạt, hạn chế ăn các loại hoa quả chín giàu kali vì sẽ gây đầy bụng, kiêng rượu, bia, không ăn mỡ động vật, ăn ít dầu thực vật và không ăn các chất tanh”.
Nhưng kiếm rừng gió không phải dễ. Đặt mua ngoài hàng lá xông chợ Bà Chiểu, bà bán hàng đưa cho tôi củ lạ hoắc, ruột cam, cay xè, có bông đỏ từng chùm mọc trên ngọn. Tôi nói không đúng thì bà khăng khăng “thuốc trị gan mà, nhiều người mua rồi mà...”. Thứ bà bán cho tôi là ngải tía, hay gừng đỏ chỉ trồng làm kiểng.
Cháu tôi đặt hàng mua ngoài Quy Nhơn thì củ vàng đậm, mùi hăng khác hẳn thứ tôi trồng và người anh cho, có thể đây là gừng núi. Gừng gió thứ thiệt phải đúng các điều kiện: Hoa đỏ mọc thẳng từ đất lên, to hình tháp có nhiều lớp xếp vẩy như vẩy cá, hình dáng giống trái bắp nhỏ; củ nhiều rễ, cạo vỏ ngoài sẽ gặp lớp xanh đọt chuối nhạt, rồi mới tới lớp trong vàng lợt; mùi rất thơm, dịu không hăng, nấu lên sẽ thơm lừng. Nếu mua nhầm gừng gió không đúng thứ thiệt, uống hoài sẽ không hết bệnh.
Mong rằng các nhà khoa học, sinh thực vật học nghiên cứu thêm về loài gừng gió này và công bố hướng dẫn thêm cho người dùng về thời gian sử dụng, có kiêng kỵ với thuốc hay thức ăn nào không… Và mong Việt Nam ta sẽ phát triển thêm ngành trồng trọt mới “gừng gió” này vừa dùng làm thuốc trị bệnh cho dân nghèo trong nước vừa có thể xuất khẩu đi các nước làm giống thuốc riêng có của Việt Nam.
(nguồn honviet.com)
No comments:
Post a Comment