Trang

September 13, 2012

Ai sẽ là ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng?


 Nhiều nhà phân tích cho rằng, thay đổi ông chủ Nhà trắng không khác gì việc đại công ty "British Petroleum" thay người phát ngôn, trong khi vẫn giữ nguyên ban Giám đốc, các chương trình và mục tiêu của tập đoàn.

Sau các cuộc Đại hội toàn quốc những ngày qua của đảng Dân chủ và Cộng hòa, cử tri Mỹ còn hai tháng nữa để lựa chọn.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thực hiện chiến dịch tranh cử kéo dài 3 ngày cuối tuần trước, sau khi chấp nhận đề cử ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. Cả ông Obama và ông Romney đều dành những ngày cuối tuần để đi vận động ở Iowa và New Hampshire, hai bang quan trọng trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 tới.
Ông Obama nói với các cổ động viên tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ rằng, "họ đang đứng trước sự lựa chọn rõ ràng nhất trong thế hệ qua, một sự lựa chọn giữa hai con đường khác nhau cho nước Mỹ". Ông kêu gọi người Mỹ ủng hộ các mục tiêu của ông về sản xuất, năng lượng, giáo dục, an ninh quốc gia, giảm thâm hụt, và tái xây dựng nền kinh tế trên một nền tảng mạnh mẽ hơn.
Nền chính trị-kinh tế Mỹ
Cuộc tổng tuyển cử tại Mỹ vào ngày 7/11 tới đây sẽ quyết định ba loại ghế: i) Tổng thống (đứng đầu Hành pháp); ii) Tất cả 435 Dân biểu Hạ viện và iii) Khoảng một phần ba của 100 Nghị sĩ Thượng viện (Lập pháp). Kể từ ngày 20/1 sang năm, Ban lãnh đạo mới sẽ phải xử lý nhiều hồ sơ kinh tế, nổi lên là nạn bội chi ngân sách và thất nghiệp quá cao sau bốn năm phục hồi trong sự èo uột chưa từng thấy từ 80 năm nay.
Tuy nhiên, giới phân tích kêu gọi sự dè dặt khi dư luận kể công hay gán tội cho tổng thống đương nhiệm về các hồ sơ kinh tế mà ông ta thực ra không có toàn quyền. Vấn đề nên chú ý là cuộc bầu cử Quốc hội để xem hai chính đảng sẽ giải quyết ra sao các vấn nạn kinh tế-xã hội Mỹ là lĩnh vực Lập pháp có quyền lớn.
Hình ảnh thường được đưa ra là đảng Cộng hòa chú trọng đến tăng trưởng kinh tế và chất hàng lên cỗ xe thịnh vượng, còn đảng Dân chủ thì quan tâm đến công bằng xã hội nên muốn dỡ hàng hoá trên xe xuống để phân phát cho mọi người. Cử tri Mỹ đã có lúc bầu cho đảng này hay đảng kia tùy theo hoàn cảnh kinh tế-xã hội từng giai đoạn. Vấn đề hiện nay là cỗ xe thịnh vượng của nước Mỹ bắt đầu cạn dần và tuột dốc vì nợ nần.
Ngoài ra, từ thời lập quốc, chính trường Mỹ từng tồn tại hai xu hướng ngược nhau. Một là muốn thu hẹp vai trò của chính quyền trung ương và phân quyền cho các tiểu bang. Hai là muốn có nhà nước mạnh để gánh vác thêm một số trách nhiệm.
Tiêu biểu cho hai xu hướng ấy là hai nhân vật thuộc hàng "quốc phụ", đồng tác giả của bản Hiến pháp nổi tiếng và từng có mặt trong nội các đầu tiên thời George Washington. Đó là Thomas Jefferson và Alexander Hamilton. Jefferson là ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ sau là tổng thống thứ ba đã đề cao quyền tự do mậu dịch, nghi ngờ các tài phiệt và muốn thu hẹp vai trò của chính quyền liên bang. Hamilton là bộ trưởng tài chính đầu tiên, chủ trương tăng cường vai trò can thiệp của nhà nước về kinh tế-tài chính và ủng hộ chế độ bảo hộ mậu dịch. Tuy nhiên, hai xu hướng này vẫn thỏa hiệp và tồn tại song hành cho đến ngày nay. Và quan điểm của hai chính đảng phần nào phản ảnh hai triết lý kinh tế-chính trị vĩ mô này của Mỹ.
Cuộc đua giữa Obama và Romney
Trong phát biểu chấp nhận đề cử từ tuần trước, ông Romney ủng hộ mô hình "tiểu chính phủ", chủ trương thu hẹp vai trò chính phủ liên bang. Ông này quảng bá cho chính sách thúc đẩy kinh tế bằng hoàng loạt chương trình cắt giảm thuế và nới lỏng các quy định quản lý. Ông cũng chủ trương cắt giảm mạnh chi tiêu liên bang, trong đó có các chương trình an sinh xã hội. Ứng viên Romney cam kết sẽ làm cho nước Mỹ có thể tự cung ứng nhu cầu năng lượng, mở rộng thương mại và tạo thêm 12 triệu việc làm thông qua hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông chủ trương giảm thâm hụt ngân sách khổng lồ, nhưng phản đối cắt giảm ngân sách quốc phòng và từ bỏ việc cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe của ông Obama.
Trong quan điểm của mình, ông Obama ngược lại không coi chi tiêu quốc phòng là "vùng cấm địa" không thể đụng chạm tới khi cắt giảm các khoản chi nhằm vực dậy tài chính của chính phủ. Ông Obama cũng đã từng đánh cuộc rằng chính phủ sẽ không cắt giảm chi tiêu của liên bang giành cho tầng lớp nghèo khó, bao gồm những người có thu nhập thấp và những người cao tuổi. Đương kim tổng thống chủ trương sẽ điều chỉnh khoảng cách thu nhập giữa các thành phần trong xã hội. Tuy nhiên, hơn 60% cử tri hiện nay tin rằng nước Mỹ đang đi sai đường. Tỉ lệ ủng hộ ông Obama ở dưới mức 50%; khoảng hai phần ba số cử tri không ấn tượng bởi cách ông Obama xử lý kinh tế. Kiệt sức bởi những khó khăn trong công việc, nhà đại cải cách Obama trở nên thận trọng với nhóm cố vấn bao quanh. Để có thể ở lại Nhà trắng thêm bốn năm, Barack Obama một lần nữa sẽ phải làm nên lịch sử!
Các cuộc điều tra dư luận gần đây cho thấy, hai ứng viên Obama và Romey "đeo bám nhau" khá quyết liệt. Ba cuộc tranh luận trong tháng Mười tới đây giữa hai ứng viên sẽ là những cơ hội quan trọng để quyết định thành bại trong các vòng đua nước rút. Giới quan sát trong nước Mỹ và trên thế giới hy vọng sẽ được chứng kiến những cuộc tranh luận thẳng thắn giữa ông Obama và ông Romney về các vấn đề kinh tế, ngoại giao và chính sách quốc phòng. Dù sao mặc lòng, những chính sách lớn của cả hai ông đều xuất phát từ những gì mà các cơ quan vốn do những tập đoàn công nghiệp-tài chính trên toàn nước Mỹ tài trợ. Chính sách của các tổng thổng, nói cho cùng, không phải do cá nhân các ông ngồi ở Phòng Bầu dục nghĩ ra, mà chủ yếu là do các thinktank đã từng hướng dẫn các tổng thống tiền nhiệm, như Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, RAND Corporation, Viện Brookings, Nhóm Nghiên cứu cứu Khủng hoảng (ICG)... đề xuất.
  • Hải Đăng

No comments:

Post a Comment