Một doanh nhân đầy đủ cá tính với một sản phẩm sáng
tạo và một kế hoạch kinh doanh ấn tượng cũng không thể đi xa nếu việc
quản lý hằng ngày không đủ nghiêm túc và tập trung.
Những doanh nhân Việt thường vấp phải các lỗi lầm phổ
thông như đầu tư dàn trải (vì cơ hội làm ăn rất nhiều); để sĩ diện và
bạn bè gia đình lôi cuốn vào những hoạt động không hiệu quả; hay che
giấu những thất bại lầm lỡ; không có kỷ luật nghiêm minh về vấn đề chi
tiêu tài chính; thiếu đạo đức và kiên nhẫn trong việc xây dựng thương
hiệu và kỷ cương công ty; không tôn trọng khách hàng hay đối tác hay cổ
đông hay địch thủ; sử dụng người theo tình cảm gia đình hay phe nhóm.
Bài nói chuyện của tôi ở buổi Hội thảo về Đầu tư và Kinh doanh 16/2
không chắc có gây một ấn tượng gì sâu đậm trong tư duy các khán thính
giả; nhưng một công thức rất đơn giản về tài chính lại tạo một phản hồi
ồn ào (hơn 200 emails trong 3 ngày), nhất là với các bạn trẻ đang khát
khao làm giàu.
Một công thức kiếm tiền đơn giản
Nguyên văn phần phát biểu, "Tôi tin rằng một doanh nhân trẻ, tìm ra
một mô hình kinh doanh sáng tạo và dồn hết tâm trí nội lực của mình liên
tục trong 5 năm, sẽ nhất định trở thành một triệu phú đô la. Quên
chuyện ăn nhậu, quên chuyện thất tình trai gái, quên chuyện bạn bè bàn
ra tán vào, quên chuyện sĩ diện... chỉ biết một mục đích duy nhất là
công việc của mình, không bỏ cuộc hay thất vọng, không phân tán tài lực
với những hoạt động ngoài luồng, không suy nghĩ xa xôi hay lầm lạc. Chỉ
đơn giản có thế. Tôi sẵn sàng ký một khế ước với bạn: nếu bạn đã làm tất
cả việc này thật nghiêm túc và không kiếm được 1 triệu đô la vào 2017,
tôi sẽ tịnh khẩu và ngưng hết viết lách trong phần đời còn lại."
Tư duy của thế hệ 8X, 9X vẫn coi chuyện làm quan là con đường lý
tưởng nhất để đạt mộng ước về giàu có. Con đường này dĩ nhiên cũng vất
vả, nhiều cạnh tranh. Nó cũng tiềm tàng nhiều nguy hiểm nếu trong quá
trình, ta lỡ đụng chạm quyền lợi với kẻ mạnh hơn. Do đó, qua công thức
kinh doanh tôi đề xướng, các bạn trẻ tham vọng lại thấy mình có một lối
đi khác, nhiều tiền không kém, mà khỏi phải cúi đầu hoài, mỏi lưng. Chả
trách các bạn muốn tìm biết thêm chi tiết để lên kế hoạch.
Nhưng vì không có bữa ăn nào miễn phí, nên tôi đã phải nói nhiều về
cái giá phải trả cũng như về những điều kiện cần và đủ nếu muốn theo
đuổi chương trình triệu phú đô la này. Trước hết là những món hấp dẫn về
điều kiện tham dự.
Quá dễ để tham dự
Bạn không cần một bằng cấp hay học vị nào, thực hay rởm, từ bất cứ
một đại học nào. Bạn sẽ cần kiến thức, nhưng đó là loại trí thức được
trau dồi thu nhập hàng ngày qua những trải nghiệm thực tế và sai trái.
Bạn sẽ phải nghiên cứu, phân tích mỗi ngày đủ loại dữ kiện về công nghệ,
quản lý, tài chính, tiếp thị... nhiều gấp 3, 4 lần số giờ học tập của
một sinh viên MBA chính quy. Sẽ không có thi tuyển, thi sát hạch hay nhờ
người thi dùm; nhưng mỗi lần bạn sơ hở, quên làm bài và "thi trượt",
thì kết quả sẽ hiện thực bằng một cái giá vô cùng đau đớn.
Bạn không cần một lý lịch tốt, là con cháu của các bác, cần tìm một
thế lực chống lưng hay giới thiệu. Bạn cũng không cần một dự án kiểu sao
chép, với đủ loại dấu xanh dấu đỏ phê chuẩn. Bạn chỉ cần một sản phẩm
đặc thù sáng tạo, đủ khả năng để cạnh tranh trên bất cứ thị trường nào
và một kế hoạch kinh doanh bài bản làm các nhà đầu tư sửng sốt khi đọc.
Bạn có thể ở vào lứa tuổi 20 hay 30 hay 60 hay 70. Tuổi tác không
quan trọng, nhưng sức khỏe, lòng đam mê và ý chí vượt bão phải thật đầy
đủ.
5 điều kiện mấu chốt
Tôi đã nói nhiều về những điều kiện cần có để tạo lực đẩy cho mọi hành trình kinh doanh. Tôi xin vắn tắt lặp lại:
1. Động lực, lòng tham và ngọn lửa trong người. Yếu tố
này quan trọng nhất vì nó định đoạt vận mệnh của doanh nghiệp. Đi đến
đích hay bỏ cuộc là do ngọn lửa trong người. Khi khởi nghiệp thì ai cũng
đầy ý tưởng tốt, sáng tạo và đặc thù. Nhưng để ý tưởng trở thành hiện
thực, doanh nhân phải đối diện với nhiều thử thách, khó khăn, tình thế
tuyệt vọng và nếu không còn động lực, việc bỏ cuộc đầu hàng sẽ là lựa
chọn đầu tiên.
2. Lợi thế cạnh tranh: Sản phẩm kinh doanh phải mang tính sáng
tạo, độc đáo và tạo một lợi thế cạnh tranh chắc chắn. Nó có thể là một
dịch vụ mới lạ chưa có trên thị trường, một công nghệ mũi nhọn hơn các
địch thủ, một sản phẩm có thương hiệu lâu đời hay một hệ thống tiếp liệu
phân phối hiệu quả nhiều ứng dụng. Dĩ nhiên, nhu cầu thị trường cũng
phải hiện hữu ở tầm mức đủ lớn để tạo doanh thu và lợi nhuận mong muốn.
3. Sức khỏe để đối phó với áp lực và thời gian công sức đòi hỏi.
Những áp lực và lời khen tiếng chê từ gia đình, đối tác, cổ đông, nhà
tài trợ, nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng, chính phủ và ngay cả trong
xã hội luôn đè nặng trên vai doanh nhân. Nếu không có một thân thể khỏe
mạnh để giữ tinh thần sáng suốt bình tĩnh thì không thể hoàn tất công
việc quản trị. Ngoài áp lực, sức khỏe là một yếu tố mấu chốt vì thiên
tài đầy tham vọng mà không chịu đổ mồ hôi thì cũng chỉ là một người thất
bại, khó tạo dựng được gì bền vững. Tôi chưa thấy một doanh nhân thành
công nào chỉ làm 40 giờ đồng hồ trong tuần. Công thức áp dụng cho họ là
24/7, vì một doanh nhân ngủ cũng mơ thấy công việc làm ăn.
4. Liều lĩnh, dám làm, dám chấp nhận rủi ro. Chỉ cần một sai
lầm nhỏ thì đã có thể giết chết một đại công ty như Arthur Anderson,
Lehman Brothers hay suy yếu quằn quại như BP. Tỷ lệ rủi ro trong kinh
doanh quá cao. Nếu một người giỏi về toán và thống kê thì họ sẽ không
làm doanh nhân. Tôi nói đùa những doanh nhân là những người... dốt toán
nhất, và "sự ngu dốt" này chỉ vượt qua được với tính lạc quan phi lý,
lối xử lý liều lĩnh ngang ngược. Chỉ nghĩ đến hình ảnh khi làm ăn thất
bại, có thể sẽ mất tất cả từ gia đình, bạn bè đến tài sản, tiếng tăm...
là nhiều người bình thường phải chùn chân.
5. Kinh nghiệm, quan hệ, kiến thức. Nếu chưa có những yếu tố
này thì phải lo tạo dựng cho đầy đủ trước khi ra trận mạc. Kiến thức có
thể thu thập nhanh chóng nếu chịu khó bỏ ra 2 tháng, suốt ngày đọc các
bài viết về ngành nghề mình chọn (Google và Internet là một nguồn thông
tin không thể thiếu). Sau đó, phải tạo dựng những quan hệ với bất cứ cá
nhân nào có liên quan ít nhiều đến lĩnh vực kinh doanh mình muốn. Những
nhân vật này thực sự là những thiên thần có thể truyền lại những kinh
nghiệm mình thiếu sót.
Với 5 yếu tố mấu chốt ở trên, bất cứ một hành trình kinh doanh nào
cũng sẽ đến đích, không sớm thì muộn, tùy vào tầm cỡ của dự án. Tôi dùng
công thức 5 năm cho một tài sản khoảng 1 triệu đô la vì tôi dựa trên
một tỷ lệ P/E (giá/lợi nhuận) trung bình là 7; hay một dòng tiền lợi
nhuận hàng năm khoảng $150 ngàn. Trong ngành phân phối hay sản xuất hàng
tiêu dùng, doanh nghiệp bạn phải bán ra khoảng 1.5 triệu đô la để đạt
chỉ tiêu này. Nó không dễ, nhưng chắc chắn đây không phải là một hành
trình kiểu Vạn Lý Trường Chinh của Mao. Trong những ngành nghề hiện đại
hơn như IT hay tài chính, các tỷ lệ P/E thường rất cao; nên mục tiêu
càng dễ đạt.
Các rào cản và thử thách
Nhưng trên hết, một doanh nhân đầy đủ cá tính với một sản phẩm sáng
tạo và một kế hoạch kinh doanh ấn tượng cũng không thể đi xa nếu việc
quản lý hằng ngày không đủ nghiêm túc và tập trung. Những doanh nhân
Việt thường vấp phải các lỗi lầm phổ thông như đầu tư dàn trải (vì cơ
hội làm ăn rất nhiều); để sĩ diện và bạn bè gia đình lôi cuốn vào những
hoạt động không hiệu quả; hay che giấu những thất bại lầm lỡ; không có
kỷ luật nghiêm minh về vấn đề chi tiêu tài chính; thiếu đạo đức và kiên
nhẫn trong việc xây dựng thương hiệu và kỷ cương công ty; không tôn
trọng khách hàng hay đối tác hay cổ đông hay địch thủ; sử dụng người
theo tình cảm gia đình hay phe nhóm.
Vượt qua các rào cản này là bạn đã đi xa hơn 90% các đối thủ cạnh
tranh và có ít nhất là 80% để đạt mục tiêu hay tiến xa hơn nữa.
Xác xuất thành công
Tôi ước tính là chính phủ Việt Nam sẽ tiêu xài khoảng 400 tỷ USD
(ngân sách và nợ công) trong 5 năm tới, kể cả những đầu tư vào doanh
nghiệp nhà nước. Sẽ khó tránh khỏi một lượng thất thoát, lãng phí trong
số đó. Tuy nhiên, số lượng người cạnh tranh cũng khủng khiếp vì sự hấp
dẫn của "free money" (tiền chùa).
Trong khi đó, lĩnh vực tư nhân sẽ chiếm khoảng 540 tỷ USD; và tài sản
lưu giữ có thể lên đến hơn 100 tỷ USD. Với hơn 1 triệu doanh nhân thi
đấu, cơ hội thắng 1 triệu đô la sẽ tốt hơn chuyện làm quan nhiều.
Nhưng trên tất cả các thành quả và khó nhọc của cuộc chơi, phần
thưởng lớn nhất cho các doanh nhân trẻ sẽ là một lòng tự trọng và hãnh
diện vì sự đóng góp chân chính của bản thân cho xã hội. Mỗi sáng, khi
soi gương, bạn sẽ không phải cúi đầu tự hổ thẹn cho mình hay gia đình.
---
T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và
Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa
quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành
một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông
sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại
Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex
(Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Ông đã xuất bản 8 cuốn sách bằng
Anh và Việt ngữ. Email của ông là gocnhinalan@gmail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.
No comments:
Post a Comment