Trang

February 26, 2012

Chuyện chưa kể về sự “trở lại” của sấm Trạng Trình

GiadinhNet - Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha được Bộ VH–TT (nay là Bộ VH–TT–DL) cử làm phim về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân kỷ niệm 500 năm ngày mất của ông. PV Báo GĐ&XH Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông một số vấn đề xung quanh nhân vật lịch sử Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
“Sống lại” sau 500 năm

Dù là nhà tiên tri số một nhưng trong suốt 500 năm qua, tên tuổi của Nguyễn Bỉnh Khiêm dường như ít được nhắc đến. Trong sấm truyền Trạng có biết trước được “hậu vận” của mình như vậy không?
- Có chứ. Đó chính là lời sấm: “Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi/ Sông Hàn nối lại thì tôi lại về”. Dịch nôm ra nghĩa là bao giờ vùng đất Tiên Lãng bị xẻ làm đôi ra và con sông Hàn được nối lại thì tên tuổi của Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ vang dội trở lại. Đúng như lời sấm, cách đây mấy năm Tiên Lãng bị xẻ đôi ra vì có công trình đào con sông để làm kênh thuỷ lợi.
Thời điểm ấy cũng vào đúng 500 năm sau thời đại của ông. Cùng lúc ấy thì có cây cầu được xây dựng nối sông Hàn từ quê Vĩnh Bảo của cụ sang Thái Bình. Cũng từ năm ấy trở đi, tên tuổi, danh tiếng, tài năng kiệt xuất của cụ được sống lại, chứ suốt 500 năm trước đó có ai nhắc đến tên tuổi của cụ đâu, cũng không có ai làm lễ kỷ niệm cả.
Cụ thể thì tên tuổi của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trở lại như thế nào theo lời sấm?
- Dường như đây cũng là một cái “duyên” trời định cho tôi. Đó là một câu chuyện hết sức tình cờ. Tôi không bao giờ nghĩ rằng lại có chuyện này xảy ra trong cuộc đời. Đó là vào đầu năm 1991, tôi ngồi với mấy người bạn và nói rằng: “Năm nay kỷ niệm 500 năm ngày sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi không hiểu tại sao chúng ta không làm phim về ông”.
Câu đó lọt vào tai một người bạn và chỉ hai tháng sau việc đó thành hiện thực. Bộ Văn hoá quyết định làm một bộ phim về Nguyễn Bỉnh Khiêm và lại chọn đúng tôi để thực hiện bộ phim đó.
Trong quá trình làm phim, tôi có nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ hơn về ông, dù trước đó nhiều năm tôi cũng đã tự tìm hiểu về ông vì vốn dĩ tôi rất kính trọng ông. Quê hương của ông cũng chính là quê hương của tôi, làng Trung Am.
Bất ngờ hơn nữa, trong gia phả thì họ Nguyễn Thuỵ của tôi là một cành nhánh của họ Nguyễn Bỉnh. Sau khi phim hoàn thành, Nhà nước quyết định sẽ tổ chức kỷ niệm 500 năm ngày sinh cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm một cách long trọng. Tên tuổi của cụ chính thức được vinh danh trở lại từ ngày đó.
Bức tượng chân dung Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Buổi lễ kỷ niệm 500 năm ngày sinh của nhà tiên tri số một Việt Nam có xảy ra điều gì đặc biệt không, thưa ông?
- Buổi lễ đó đã đặc biệt ngay từ khâu đầu tiên là chọn ngày, chọn tháng. Lúc đó, cấp trên yêu cầu là phải tổ chức vào một tuần nào đó trong tháng 11. Rất khó chọn ngày vì tháng đó không phải ngày sinh, cũng không phải ngày mất của cụ.
Cuộc họp giữa Bộ Văn hoá với các nhà văn hoá, các nhà cố vấn mãi vẫn không quyết được ngày tổ chức lễ. Tôi đề nghị nên tổ chức vào ngày 10/10 (âm lịch), là ngày Tết cơm mới, ngày mà dân tộc ta có truyền thống hướng về tổ tiên. Thế là cuộc họp nhất trí và thống nhất tổ chức ở Văn Miếu.
Ngay sau đó, một đợt đại tu bổ Văn Miếu được thực hiện để tổ chức lễ kỷ niệm một cách long trọng. Chọn được ngày rồi, đến việc chọn giờ mới là quan trọng. Tôi chọn giờ Tỵ (từ 9h trở đi), lúc ấy tôi chỉ xem bằng cái tâm thôi vì thực ra tôi cũng không giỏi về lĩnh vực đó.
Ngày diễn ra lễ kỷ niệm, trời lại mưa, từ 7h sáng trở đi mưa rất to nhưng đến khoảng 8h30 thì trời tạnh, không khí, khung cảnh ở Văn Miếu sạch sẽ, thoáng đãng. Sau đó trời nắng lên rất đẹp. Điều cảm động nhất là khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thắp hương thì bát hương hoá ngay (bùng cháy lớn), lửa của bát hương hoá đó rơi vào 4 chén rượu thờ, bốc cháy luôn. Tay máy ngày hôm đó đã ghi lại được hình ảnh này.
Thành tựu lớn nhất
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho hậu thế những áng văn chương như tập thơ Bạch Vân, Trình Quốc công, Bạch Vân thi tập… Ông đánh giá Nguyễn Bỉnh Khiêm thế nào dưới góc độ là nhà thơ?
- Dù sống trước chúng ta hơn 500 năm nhưng ngay từ thời ấy, thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã rất hiện đại. Ví dụ như câu: “Vếu váo câu thơ cũ rích/ Khề khà chén rượu hăng xì”. Ai thời ấy có thể làm được câu thơ như thế. Và ngay cả bây giờ cũng có ai làm được câu thơ như thế đâu.
Là người nổi tiếng nhiều mặt, thành tựu lớn nhất về thơ mà Trạng Trình để lại cho hậu thế là gì, thưa ông?
- Cái lớn nhất về thơ mà Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại cho hậu thế là đã nghĩ ra thơ lục ngôn. Đó là một nhịp thơ khác, riêng của ta. Còn thơ nhất ngôn, nhị ngôn, tam ngôn, tứ ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn đều có ở Trung Quốc cả. Nhưng riêng thơ lục ngôn thì chỉ duy nhất Việt Nam có. Nghĩ ra thơ lục bát đã là giỏi nhưng thực chất nó vẫn có ở Trung Quốc, còn lục ngôn thì là thể thơ độc đáo của riêng Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
             
  Lã Xưa (thực hiện)
Tiên đoán vận nước trước hàng trăm năm
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha bình chú một số câu sấm nổi tiếng của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
1. Câu sấm của Nguyễn Bỉnh Khiêm về thời đại ngày nay đã bắt đầu ứng nghiệm sau đúng 500 năm. Đó là câu:
 “Hồng Lam ngũ bách nghinh thiên hạ
Hưng tổ diên trường ức vạn xuân”.
Có nghĩa là đất nước Hồng Lam này sau ta 500 năm sẽ đến những mùa xuân hưng thịnh vĩnh viễn. Thực tế cho thấy, câu sấm này đã ứng nghiệm từ năm 1991, tức là đúng sau 500 năm, đất nước ta đã thực sự khai mở.
Dù trước đó, chúng ta đã có cuộc đổi mới tư duy từ năm 1986 nhưng mãi đến năm 1991 mới thực sự chuyển biến mạnh.
2. Lời sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là:
 “Cửu cửu càn khôn dĩ định
Thanh minh thời tiết hoa tàn
Trực đáo dương đầu mã vĩ
Hồ binh bát vạn nhập Tràng An”.
Dịch nôm nghĩa là đất nước ta phải qua 81 năm mới thoát khỏi ách nô lệ (tính đến Cách mạng tháng Tám là 72 năm cộng với 9 năm nữa mới chiến thắng Điện Biên Phủ), mới được yên, thể hiện bằng câu Thanh minh thời tiết hoa tàn.
Đó chính là trận Điện Biên Phủ lẫy lừng đúng vào tiết thanh minh năm 1954. “Thời tiết hoa tàn” tức là ở thời điểm thanh minh đó sẽ có một sự tàn lụi, thì chính là sự tàn lụi của ách cai trị của thực dân Pháp. “Trực đáo dương đầu mã vĩ” tức là cuối năm Ngọ, đầu năm Mùi thì mới có sự thành công (Sau chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 3/1954, đến 10/10/1954 mới giải phóng Thủ đô; ngày 15/1/1955 Chính phủ mới về tiếp quản ở Hà Nội). “Hồ binh bát vạn nhập Tràng An” nghĩa là có lính tám sư đoàn của một ông tên là Hồ vào Tràng An.
3. Ông sống dưới thời nhà Mạc, năm 45 tuổi ông mới đi thi và đậu Trạng nguyên. Vua Mạc Đăng Doanh cất ông lên làm Tả thị lang Đông các học sĩ. Nhưng sau khi dâng sớ hạch tội 18 lộng thần không được vua nghe, ông đã cáo quan về ở ẩn.
Thời ấy, đất nước đang trong giai đoạn hỗn loạn, có tới ba triều đại cùng tồn tại là nhà Mạc, nhà Nguyễn, nhà Trịnh. Lúc nhà Mạc sắp mất liền sai người đến hỏi ông. Ông đã đưa ra lời sấm cho nhà Mạc rằng:
“Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô”.
Nghĩa là nếu chạy lên Cao Bằng thì sẽ tồn tại được 3 đời. Quả nhiên, nhà Mạc lên Cao Bằng thì tồn tại được thêm 3 đời. Rất nhiều đoàn quân lên chiếm đánh nhưng đều thất bại.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đưa ra lời tiên tri cho nhà Nguyễn, nhờ đó nhà Nguyễn mới tiến vào Nam mở rộng bờ cõi. Đó là khi nhà Nguyễn đến hỏi về việc phân tranh giữa nhà Nguyễn với nhà Trịnh thì được phán câu:
“Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân”.
Nguyễn Hoàng nghe thấy thế liền cầm quân mở rộng đất nước vào phương Nam và tạo ra đất nước Việt Nam hình thái cực như ngày nay.
Đến đời Lê, thời điểm vua Lê Trung Tông (Hậu lê) mất không có người nối dõi, Trịnh Kiểm định soán ngôi nhà Lê nhưng chưa dám quyết nên đã sai người tới hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Ông có nói:
 “Giữ chùa thờ phật thì ăn oản”
Ý nói giữ là bề tôi của các vua Lê thì lợi hơn. Trịnh Kiểm nghe theo liền sai người đi tìm tôn thất nhà Lê thuộc chi Lê Trừ (anh Lê Lợi) đưa lên ngôi, tức là vua Lê Anh Tông. Họ Trịnh mượn tiếng nhà Lê nhưng thực chất nắm quyền điều hành chính sự, hai bên cùng tồn tại tới hơn 200 năm. Vì thế mà có câu: Lê tồn, Trịnh tại.
Lã Xưa
Gia đình và Xã hội Cuối tuần Xuân Canh Dần

No comments:

Post a Comment